Cổ phiếu dệt may lao dốc mạnh dưới tác động Covid-19
Doanh nghiệp dệt may bị hủy đơn hàng nhiều khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và châu Âu.
Những tưởng khi Trung Quốc công bố kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trở lại bình thường với doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Song, liên tiếp Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu lần lượt bùng phát đã khiến các đơn hàng đến thị trường này gặp rào cản lớn. Đó là chưa kể ảnh hưởng của công tác chống dịch trong nước.
Biến động này tiếp tục là cú giáng mạnh lên ngành dệt may Việt Nam. Mỹ và châu Âu là 2 thị trường nhập khẩu hàng dệt may, giày dép lớn nhất của Việt Nam. Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 thị trường này chiếm đến 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước, ứng giá trị 19,2 tỷ USD năm 2019. Dịch lan rộng, Mỹ và châu Âu phải gồng mình đối phó khiến nhu cầu giảm sút, nhiều đơn hàng dệt may theo đó bị hủy.
Theo thông tin Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), từ trung tuần tháng 3 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5. Thương hiệu càng lớn thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng cao, và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi. Dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoạt động trở lại, cùng với cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%.
Bên cạnh đó, ngành đã nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng (riêng tập đoàn nhập khoảng 120 triệu USD nguyên liệu/tháng). Nếu giả thiết khách hủy 20% đơn hàng thì sẽ ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng (tập đoàn là 24 triệu USD), tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và tháng 5 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD (tập đoàn mất khoảng 24 triệu USD).
Theo đó, lãnh đạo Vinatex đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỷ đồng, riêng tập đoàn thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp trên sàn như TNG, MSH, TCM, GMC đều xuất khẩu mặt hàng may mặc qua Mỹ và châu Âu.
Công ty Đầu tư và Thương mại TNG ( HNX: TNG ) trong vài năm trở lại đây đã cơ cấu khách hàng theo hướng tập trung vào thương hiệu lớn, uy tín như Decathlon, Nike, Costco… Tỷ trọng doanh thu thị trường Mỹ và EU chiếm đến 90% doanh thu, riêng Mỹ và Pháp là 77%.
Với chiến lược tương tự, 97% doanh thu của May Sài Gòn(HoSE: GMC ) đến từ xuất khẩu với thị trường chính là châu Âu (41%) và Mỹ (46%). Các khách hàng lớn có thể kể đến như Decathlon, Cutter & Buck, Jamescambell…
Công ty may Sông Hồng ( HoSE: MSH ) tuy giá trị xuất khẩu sang EU không cao nhưng Mỹ lại chiếm đến 90% giá trị xuất khẩu.
Không phụ thuộc nhiều như các doanh nghiệp trên nhưng giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Eu của Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công ( HoSE: TCM ) xuất khẩu vào 2 thị trường này cũng chiếm khoảng 35-40% doanh thu.
Với tác động kép từ diễn biến dịch Covid-19, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới nay, nhiều cổ phiếu dệt may đã giảm rất sâu như TNG, TCM, MSH giảm trên dưới 40%. Các doanh nghiệp sợi cũng bị ảnh hưởng gián tiếp nên cổ phiếu cũng giảm mạnh như HSM, STK, FTM…