Cổ phiếu ngân hàng: Chuyển "nhà" để chuyển vận?

08/07/2020 10:57 GMT+7
“Cuộc di cư” của nhóm cổ phiếu ngân hàng qua sàn HoSE bên cạnh mục tiêu gia tăng lợi ích cho cổ đông, nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu cũng như hình ảnh, thương hiệu…, mà còn nhằm “đón đầu” chính sách khi từ năm 2020-2023 và sẽ là mục tiêu của nhà đầu tư phòng thủ hậu Covid-19.

Trong kỳ đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua, nhiều ngân hàng đang có cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX hay UpCom đã lên kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE.

Rục rịch "chuyển nhà"

Đơn cử tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch chuyển sang HoSE trong năm 2020. "Việc chuyển sàn sẽ chia làm hai bước, trong đó bước 1 là chốt cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9; sau đó tháng 11, tháng 12 sẽ chuyển sàn sang HoSE", Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn chia sẻ.

Lãnh đạo ACB cũng không giấu tham vọng khi chuyển sang HoSE cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HoSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VN DIAMOND (10%), VN FINSELECT (12%). VN FINLEAD (12%)…

Tương tự các cổ đông SHB cũng đã đồng ý thông qua phương án "chuyển nhà" đưa cổ phiếu từ HNX sang giao dịch trên HOSE.

Lý do để SHB quyết định chuyển sang HOSE bởi ngân hàng muốn "đẩy mạnh hình ảnh" tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư chiến lược, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường. 

Cổ phiếu SHB giao dịch trên HNX từ năm 2007 và luôn nằm trong nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất sàn.

ĐHĐCĐ của LienVietPostBank cũng đã chấp thuận về việc lên sàn HoSE. Theo Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn, trước tháng 12 ngân hàng sẽ chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE. 

Lý giải về việc chậm chuyển sàn so với dự kiến, ông Sơn cho biết, tình hình tài chính chưa thực sự thuận lợi. Nhưng thời điểm này, nền tảng tài chính ngân hàng đang tốt, lợi nhuận khả quan, bền vững và ngân hàng đã sẵn sàng để chuyển sàn. 

"Giá cổ phiếu hiện nay của LienVietPostBank còn thấp so với giá trị thực. Chúng tôi hy vọng khi chuyển sàn, giá cổ phiếu của LienVietPostBank được đánh giá đúng giá trị thực của ngân hàng", ông Sơn bày tỏ kỳ vọng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng sẽ trình cổ đông việc niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay sau hơn 3 năm giao dịch trên UpCOM.

Chuyển sàn có chuyển được vận?

Nhận định về hiện tượng đồng loạt chuyển từ các sàn khác nhau sang HoSE, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán PSI Lê Đức Khánh cho biết, đây là động thái tích cực. Bởi trên thực tế, có một số cổ phiếu ngân hàng được đánh giá khá tốt, nhưng do chỉ niêm yết trên sàn UPCoM hoặc HNX nên nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư.

Cũng theo vị chuyên gia này về bản chất, lên sàn HoSE không chỉ là câu chuyện về chất lượng cổ phiếu niêm yết với những doanh nghiệp đầu ngành, ngân hàng lớn mà các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, tổ chức quan tâm nhiều đến cổ phiếu trên sàn HoSE hơn. 

Sau thời gian niêm yết, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn vốn hóa trên sàn HoSE, có thể, cổ phiếu ngân hàng lọt vào nhóm VN 30 thay thế nhóm cổ phiếu khác có tiêu chí thấp hơn.

Cổ phiếu ngân hàng: Chuyển "nhà" để chuyển vận? - Ảnh 2.

Trong giai đoạn hậu Covid-19 với triển vọng tốt hơn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động hơn và sẽ là mục tiêu của nhà đầu tư phòng thủ. (Ảnh minh họa - Internet)

Đặc biệt cuối năm ngoái, HoSE đưa ra bộ chỉ số riêng để các quỹ đầu tư, các NĐT tổ chức có thể lựa chọn đầu tư theo chỉ số bao gồm Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND), Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT), Vietnarn Leading Financial Index (VN FIN LEAD). Đây là các chỉ số mới được HoSE xây dựng với mục đích phục vụ trực tiếp nhu cầu của các quỹ đầu tư, các quỹ ETF có thể sử dụng chỉ số làm tham chiếu.

Các cổ phiếu muốn lọt trong danh mục trên đều phải đáp ứng các tiêu chí khá cao. Chẳng hạn như VNFIN SELECT cần thỏa mãn các điều kiện là vốn hóa từ 500 tỷ đồng trở lên, giá trị giao dịch bình quân từ 1 tỷ/ngày trở lên, tỷ trọng tối đa với mỗi cổ phiếu 15%. Trong khi đó, VNFIN LEAD có các điều kiện lọc khắt khe hơn bao gồm lợi nhuận sau thuế năm trước không âm, giá trị giao dịch bình quân từ 10 tỷ đồng trở lên, tỷ suất quay vòng từ 0,1% trở lên, tỷ trọng tối đa với mỗi cổ phiếu 15%...

Bộ chỉ số này rất quan trọng với độ tin cậy cao, đầy đủ giúp các quỹ đầu tư, NĐT nước ngoài có nhiều sự lựa chọn tốt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lọt vào nhóm chỉ số riêng của sàn này chắc chắn sẽ được NĐT quan tâm hơn, đầu tư nhiều hơn. Chính vì thế, các ngân hàng muốn chuyển "nhà" sang HoSE.

Theo chia sẻ của ông Lê Đức Khánh, hiện tại có một số cổ phiếu ngân hàng đủ tiêu chuẩn trong danh mục của các chỉ số trên đó là TCB, VPB, MBB, VCB, CTG... Các ngân hàng lọt vào danh mục trên có lợi thế rất lớn, bởi các NĐT dựa vào chỉ số này để quyết định đầu tư cổ phiếu. 

Cơ hội hút vốn ngoại của các cổ phiếu ngân hàng lớn hơn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư đến từ châu Âu cũng sẽ xem xét đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu ngân hàng trên cơ sở các chỉ số trên của HoSE.

Một lý do nữa khiến các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh chuyển sàn hoặc lên sàn đó là Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại 2 sàn HoSE và HNX. Theo đó, từ 2020-2023, dự kiến thị trường cổ phiếu chuyển về HoSE quản lý, còn HNX quản lý thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc các ngân hàng chuyển niêm yết cổ phiếu sang HoSE chỉ là vấn đề thời gian.

Đánh giá một cách tổng thể, có thể thấy, việc chuyển sàn giúp nâng tầm cổ phiếu cũng như hình ảnh ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư, tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng cũng tăng cao hơn. Qua đó, nâng giá trị cổ phiếu của các ngân hàng, giúp ngân hàng huy động nguồn vốn tốt, củng cố năng lực tài chính có thể tạo được sự đột phá trong kinh doanh. Những lợi ích vượt trội như vậy lý giải vì sao các ngân hàng lại muốn chuyển hoặc niêm yết trên sàn HoSE.

Nhận định thêm về tiềm năng cổ phiếu ngân hàng, ông Khánh cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn đang được đánh giá tích cực trong trung, dài hạn. Khi kinh tế phát triển tăng trưởng, là ngành trụ cột, hệ thống ngân hàng sẽ càng mạnh, tăng trưởng tín dụng tốt hơn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trên cơ sở phân tích trên, theo ông Khánh, nhìn dài hạn hơn nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu triển vọng bên cạnh nhóm cổ phiếu cơ bản khác như tiêu dùng, công nghệ, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm kể cả dầu khí. Thậm chí, trong giai đoạn hậu Covid-19 với triển vọng tốt hơn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động hơn và sẽ là mục tiêu của nhà đầu tư phòng thủ.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục