Mua bán - sáp nhập công ty tài chính: Chỉ là hiện tượng?

07/07/2020 13:55 GMT+7
Sau một thời gian các ngân hàng có xu hướng mua lại hoặc thành lập công ty tài chính thì đến thời điểm này một loạt ngân hàng có kế hoạch chuyển nhượng công ty tài chính, như VPBank bán bớt cổ phần tại FE Credit; SHB bán vốn tại SHB Finance… Theo TS. Võ Trí Thành, những thương vụ này chỉ là hiện tượng chưa thể là xu hướng.

Làn sóng ngân hàng mẹ tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán bớt vốn tại công ty tài chính, cho thuê tài chính đang nóng trở lại năm 2020.

Hàng loạt thương vụ đình đám đang đàm phán

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được tổ chức mới đây, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại công ty tài chính tiêu dùng Fe Credt.

Ông Dũng nói rằng, trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của công ty tài chính FE Credit. Hiện nay công việc đàm phán vẫn đang triển khai, bước đầu đã có kết quả tích cực.

"Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì FE Credit là ứng cử viên hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng", ông Dũng cho hay.

Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ thêm rằng, do FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tối đa 49% vốn. Trong trường hợp bán đến 49% vốn thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, việc đối tác tham gia đến 49% cổ phần thì ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh.

"Họ cũng sẽ mang tới tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành tới. Đó là điều rất tốt", ông Dũng nhấn mạnh.

Mua bán - sáp nhập (M&A) công ty tài chính: Chỉ là hiện tưởng chưa thể là xu hướng? - Ảnh 1.

Làn sóng ngân hàng mẹ tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán bớt vốn tại công ty tài chính, cho thuê tài chính đang nóng trở lại năm 2020. (Ảnh minh họa)

Tương tự, tại đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông của SHB cũng thông qua việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHB FC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho biết: "Việc thoái vốn công ty tài chính sẽ thực hiện tỷ lệ tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài và khẳng định đây là thời điểm thuận lợi để SHB thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược. Hiện đã có đối tác và chúng tôi đang đàm phán, khả năng thành công trong năm 2020", ông Hiển nói

Tại Đại hội đồng cổ đông MSB năm 2020, lãnh đạo nhà băng này cho hay, đã có các cuộc thương thảo để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card. Từ cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định và đang đợi thẩm định.

Trong khi đó, HĐQT VietinBank đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.

ĐQT VietinBank đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, thời gian tới, sẽ phối hợp với các đối tác nhận chuyển nhượng để chuẩn bị hồ sơ và xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với việc chuyển đổi hình thức pháp lý của VietinBank Leasing. Việc bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp VietinBank Leasing phát triển trong thời gian tới.

Trước VietinBank, từ năm 2016, BIDV đã bán 49% vốn Công ty Cho thuê tài chính BIDV cho Sumitomo Mitsui, cho ra đời Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST. Riêng Vietcombank vẫn sở hữu công ty cho thuê tài chính trực thuộc 100% vốn.

Chỉ là hiện tượng chưa thể là xu hướng

Câu hỏi đặt ra, liệu có phải đến thời điểm công ty tài chính không còn là "gà đẻ trứng vàng" nên các ngân hàng không còn mặn mà nữa?

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, về bản chất, mảng kinh doanh này vẫn khá hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu hoạt động của các công ty tài chính được triển khai bài bản thì đây là mảng tiềm năng hứa hẹn mang lại lợi nhuận giống như FE Credit từng là "con gà đẻ trứng vàng" cho VPBank.

Tuy nhiên, có thể giai đoạn này, cũng như các doanh nghiệp khác, ngân hàng đang gặp khó khăn trước những tác động từ Covid-19 nên họ đang muốn tái cấu trúc tài chính để giảm áp lực nợ xấu từ các công ty tài chính, tập trung vào hoạt động cốt lõi nhiều hơn.

Quan trọng nữa là nếu ngân hàng thấy có nhà đầu tư nào quan tâm, trả giá tốt thì họ muốn bán đi. Vì hiện tại các ngân hàng đang muốn củng cố thêm năng lực tài chính, tăng tài sản tốt.

Mua bán - sáp nhập (M&A) công ty tài chính: Chỉ là hiện tưởng chưa thể là xu hướng? - Ảnh 3.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, M&A trên thị trường này vẫn khó có thể sôi động được bởi những thương vụ trên chỉ là hiện tượng chưa thể là xu hướng. Thời điểm này, dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhất là lĩnh vực tài chính vẫn thận trọng. Minh chứng là từ đầu năm đến nay các thương vụ M&A với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài khá ít với quy mô cũng nhỏ.

"Theo tôi, trước mắt, vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang ở trong tình trạng phòng thủ chưa có hướng mở rộng. Nhất là giai đoạn kinh tế thế giới đang bất định thì khó có thể hy vọng vốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực này", vị chuyên gia này nhấn mạnh. 

Cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn, nhưng theo tôi, các công ty tài chính cần phải tìm hiểu, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của người dân để đưa lựa chọn phân khúc khách hàng cho phù hợp. Hành vi tiêu dùng rất quan trọng để giúp công ty tài chính khai thác hiệu quả phân khúc khách hàng.

Chẳng hạn, hiện tại cơ cấu dân số trẻ nhưng cho vay tiêu dùng dựa vào tầng lớp trung lưu nhiều. Ngoài ra, với công nghệ hiện nay, có thể đưa vào những sản phẩm phù hợp hơn với nhiều đối tượng, tương tác nhiều hơn với khách hàng để hạn chế rủi ro tín dụng đen. Tài chính tiêu dùng sẽ gắn với việc làm, hành vi lối sống, niềm tin, rủi ro tài chính cả vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, hiện nay, Luật điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng cơ bản là Bộ luật Dân sự trong khi các quốc gia khác không áp dụng như vậy. Về dài hạn, Việt Nam cần Luật Bảo vệ Tiêu dùng tài chính.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Huyền Anh
Cùng chuyên mục