Cổ phiếu TNG chưa thoát điều chỉnh ngắn hạn

03/12/2019 06:33 GMT+7
Cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vẫn đang có xu hướng điều chỉnh sau khi giảm mạnh từ mức đỉnh 22.500đ/cp vào ngày 5/7/2019.

Chuyển dịch chuỗi sản xuất

Tại hội thảo vừa qua giữa TNG với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TNG đã chia sẻ những thông tin về hoạt động kinh doanh hiện tại cũng như những kế hoạch dài hạn cho TNG.

Theo đó, ở mảng dệt may, TNG đang cho triển khai xây dựng nhà máy Võ Nhai, dự kiến tăng cường đầu tư để hoàn thành trước 16/32 chuyền may vào nửa đầu năm 2020, và mở rộng nhà máy Đồng Hỷ từ 9 chuyền lên 16 chuyền may.

TNG tiếp tục thay đổi cơ cấu dòng sản phẩm tập trung vào các đơn hàng thời trang uy tín, mang lại biên lợi nhuận gộp cao. Trong đó, dịch chuyển chuỗi sản xuất từ phương thức gia công đơn thuần (CMT) sang các phương thức có giá trị gia tăng cao hơn thông qua tự chủ nguồn nguyên liệu. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, tỷ trọng đơn hàng FOB đã chiếm 63% doanh thu thuần, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.


Cổ phiếu TNG chưa thoát điều chỉnh ngắn hạn - Ảnh 1.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu TNG giảm 1,31% đóng cửa ở mức 15.100đ/cp

Phía Công ty cũng tiết lộ đã có đủ các đơn hàng cho năm 2020 với nhiều đối tác khách hàng nước ngoài thân quen như Decathlon, Jordan, Puma, Nike, Sport Master… Trong đó, doanh thu từ Decathlon - một thương hiệu thời trang Pháp, chiếm đến 40% tổng doanh thu của TNG trong năm 2019.

Bên cạnh đó, kể từ khi phát triển thêm mảng ODM mang thương hiệu TNG Fashion, các đơn hàng ODM mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhưng tỷ trọng đóng góp vào doanh thu còn khiêm tốn, khoảng 4%. Các chuyên gia marketing cho rằng khâu thiết kế, marketing, quảng bá sản phẩm thời trang vẫn chưa phải là thế mạnh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong khi có rất nhiều thương hiệu thời trang tên tuổi như H&M, Zara... xâm nhập vào thị trường nội địa. Do đó, dù thị trường nội địa được đánh giá là miếng bánh màu mỡ nhưng không dễ dàng để TNG mở rộng thị phần.

Về mảng bất động sản, TNG hiện đang khai thác các dự án khu nhà ở thương mại và bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với diện tích khoảng 70ha. Tuy nhiên, do hẹp vốn nên TNG chưa dám đẩy mạnh hoạt động này, dự án bất động sản khu công nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1/2020.

Áp lực điều chỉnh chưa dứt

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đang có cái nhìn thận trọng đối với cổ phiếu TNG khi doanh nghiệp này bắt đầu tập trung vào lĩnh vực bất động sản. "Chi phí giải phóng mặt bằng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức tăng trưởng lợi nhuận của TNG trong năm 2020. Chính vì thế, TNG cần có những bước đi thận trọng khi gia nhập lĩnh vực này", Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, dự án mới kết hợp với các đối tác để cho thuê diện tích trần nhà máy để làm năng lượng điện mặt trời giúp công ty vừa có thêm thu nhập, vừa theo đuổi chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên theo Yuanta Việt Nam, dự án này có thể chưa triển khai được trong năm 2020.

Bên cạnh đó, TNG cũng giống như các doanh nghiệp cùng ngành, chưa được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định tự do thương mại, do vướng về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (với CPTPP) và từ vải trở đi (với EVFTA) khi nguồn nguyên liệu đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài yếu tố nguyên vật liệu, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp dệt may, như chi phí lương, điện, nước, vận chuyển... cũng chịu áp lực tăng, kéo giảm biên lợi nhuận. Đặc biệt, tại Thái Nguyên, nơi TNG đặt đại bản doanh, TNG không dễ cạnh tranh về nguồn nhân lực khi Tập đoàn Samsung đã xây dựng tổ hợp nhà máy lớn nhất tại đây, kế đó không xa là các nhà máy may quy mô trung bình khác...

Tính lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, doanh thu của TNG đạt 3.971 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 196 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, TNG đã hoàn thành được 95% kế hoạch doanh thu và 94% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Theo Yuanta Việt Nam, TNG dự kiến có thể sẽ vượt nhẹ kế hoạch kinh doanh năm 2019, theo đó mức P/E kế hoạch là 4,4x.

TNG ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2020 - 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 10- 15%. Đến năm 2024, doanh thu thuần TNG dự kiến đạt 7.247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 442 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch này, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, TNG khẳng định sẽ chú trọng việc kiểm soát giá vốn cũng như tăng hiệu quả làm việc ngay trong năm 2020.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của TNG ở mức 60 điểm, nhưng sức mạnh giá chỉ ở mức 24 điểm. Cổ phiếu TNG đang giảm giá mạnh, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, TNG đóng cửa ở mức 15.100đ/cp, giảm hơn 31% so với mức đỉnh ngắn hạn thiết lập đầu tháng 7/2019. “Tôi đánh giá mức tăng trưởng của cổ phiếu này chỉ ở mức trung tính. Các nhà đầu tư chưa nên xem xét mua mới với cổ phiếu này trong ngắn hạn”, ông Minh khuyến nghị.

Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu TNG vẫn đang có xu hướng điều chỉnh. Bởi đường MA50 vẫn tiếp tục cắt xuống dưới MA100 và MA200. Trong khi đó, dù MACD đã cắt lên trên đường tín hiệu, nhưng vẫn ở dưới đường zero; ADX đang phân kỳ âm; Stochastic lại chạm vùng vượt mua... Đặc biệt, đường giá cổ phiếu vẫn đang nằm dưới vùng mây Ichimoku. Theo đó, nếu chưa vượt qua 18.000đ/cp, thì TNG vẫn tiếp tục duy trì xu hướng điều chỉnh, củng cố dưới vùng này, với mức hỗ trợ quan trọng tại 12.000đ/cp.

Diễm Ngọc/enternews
Cùng chuyên mục