Công ty Đại An: Siêu nhà thầu "bách chiến bách thắng" và nghi vấn khai khống hồ sơ dự thầu
Cụ thể, thị phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An (Công ty Đại An) khá đa dạng với tệp đối tác trải dài từ các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng... cho tới những điểm cuối đất nước như Cà Mau, Hậu Giang... Trong đó, nhà thầu này tỏ ra đặc biệt thân thiết với chính quyền tỉnh Cà Mau khi "chiếm lĩnh" cả 13/13 gói thầu đã tham gia, mang về một khoản thu gần 400 tỷ đồng.
Trúng thầu với tỷ lệ giảm giá "siêu thấp"
Nhìn lại danh mục trúng thầu của Công ty Đại An, ngoài tỷ lệ trúng xấp xỉ mức tuyệt đối, các gói thầu cũng cho thấy những nghi vấn hết sức "thú vị" như mức giảm giá cực kì thấp, "quân đỏ quân xanh", gian lận, khai khống hồ sơ dự thầu...
Đơn cử như gói thầu "Xây dựng và lắp đặt thiết bị các cống: Ông Tự, Phát Thạnh, Công Nghiệp - Tiểu vùng II/XL02", thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Tiểu vùng II, III, V Cà Mau hồi cuối năm 2018 của UBND tỉnh Cà Mau. Công ty Đại An đã được lựa chọn là nhà thầu thực hiện với giá trúng hơn 48 tỷ đồng, thấp hơn 1% so với giá gói, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước vỏn vẹn gần 500 triệu đồng.
Việc trúng thầu với tỷ lệ giảm giá "siêu thấp" là nét thường thấy ở Công ty Đại An, còn rất nhiều các gói thầu khác có chung kịch bản này, ví dụ mới đây là gói thầu số 45 - thi công xây dựng hạng mục đường ống dẫn nước hồ Phượng Mao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ.
Theo Quyết định số 211/QĐ-SNN ngày 22/3/2021, ký bởi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tuấn, Công ty Đại An đã trúng thầu với giá 28,3 tỷ đồng, tiết kiệm cho nguồn vốn hơn 50 triệu đồng, tức chưa đến 0,2%...
Doanh thu khủng, lợi nhuận vô cùng mỏng manh
Thêm một điểm đáng lưu tâm, đó là về năng lực tài chính của Công ty Đại An. Dù cho nhà thầu này có nguồn thu dồi dào từ ngân sách nhà nước qua những gói thầu xây dựng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thế nhưng kết quả kinh doanh lại rất kém tích cực.
Theo đó, trong giai đoạn Công ty Đại An đẩy mạnh "thu gom" các hợp đồng thầu xây dựng (2016-2020), doanh số hàng năm (công ty mẹ) đều đạt trên dưới 100 tỷ đồng và đặc biệt tăng nhanh trong hai năm trở lại đây.
Đầu chu kỳ thống kê, năm 2016, nhà thầu đến từ Hà Nội ghi nhận doanh thu 113,1 tỷ đồng, đi ngang ở năm kế tiếp (113 tỷ đồng) và giảm còn 97,8 tỷ đồng vào năm 2018. Năm 2019, doanh thu của Công ty Đại An tăng trưởng kỷ lục, cao hơn hai lần bình quân để đạt mốc 292,7 tỷ đồng. Thế nhưng đà tăng có vẻ chững lại vào năm 2020, khi chỉ tiêu này chỉ nhích nhẹ lên ngưỡng 295,1 tỷ đồng.
Tài trợ cho sự lớn mạnh của doanh thu chủ yếu là các gói thầu, ước tính năm 2019-2020, tổng giá trị hợp đồng mà Công ty Đại An trúng được (độc lập hoặc liên danh) đạt gần 1.060 tỷ đồng, trong khi cả 3 năm trước đó (2016-2018) chỉ đạt 850 tỷ đồng.
Tuy nhiên như đã đề cập phía trên, bất chấp doanh thu "khủng", lợi nhuận mà Công ty Đại An ghi nhận lại vô cùng "mỏng manh". Giai đoạn 2016-2020, nhà thầu báo lãi sau thuế lần lượt là 359 triệu đồng, 607,3 triệu đồng, 224,4 triệu đồng, 467,3 triệu đồng và 426,5 triệu đồng.
Con số này phản ánh khả năng sinh lời rất thấp của Công ty Đại An. Với biên lãi thuần chỉ dao động từ 0,15% - 0,5%, cho thấy nếu hợp đồng có giá trị 1.000 đồng, doanh nghiệp mới có lợi nhuận 1-5 đồng.
Nếu so sánh trên bình diện chung các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Vinaconex, Coteccons, Fecon... thì năng lực sinh lời của Công ty Đại An đang kém đến cả trăm lần. Hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu của nhà thầu cho thấy sự bi quan bất thường.
Nhấn mạnh rằng, với khoản lãi mong manh này, mỗi năm Công ty Đại An chỉ phải chi ra vài chục triệu đồng để thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó nguồn thu lại từ chính ngân sách nhà nước, khiến dư luận tỏ ra rất bức xúc về năng lực tài chính và đặt ra nghi vấn liệu có hay không hành vi trốn thuế của Công ty Đại An.
Hơn nữa, sức khỏe tài chính của nhà thầu này cũng rất èo uột. Bảng cân đối kế toán cho thấy, nợ phải trả của doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là nợ ngắn hạn liên tục phình to, từ 103 tỷ đồng lên 153,9 tỷ đồng
Mặt khác vốn chủ sở hữu, hầu hết là vốn góp (9,5 tỷ đồng) vẫn đứng yên ở mức 9,5 - 9,9 tỷ đồng. Lúc này hệ số nợ/vốn lên đến 10,8 - 15,4 lần.
Lùm xùm về gian lận, khai khống hồ sơ dự thầu
Chưa dừng lại ở đó, Công ty Đại An còn dính đến lùm xùm về gian lận, khai khống hồ sơ dự thầu. Cụ thể, tháng 1/2021, Công ty Đại An đã nộp hồ sơ dự thầu với tư cách đấu thầu độc lập tham gia gói thầu số 5 - thi công xây dựng và thiết bị xử lý cấp bách cống tám cửa tại K21+540 đê biển số 6, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Bên mời thầu là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, hình thức đấu thầu qua mạng với giá dự toán hơn 32 tỷ đồng. Ông Đặng Văn Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, tại gói thầu này, Công ty Đại An đã nộp báo cáo tài chính thể hiện số liệu về giá trị tài sản ròng (vốn chủ sở hữu) lần lượt là 31,7 tỷ đồng, 33,1 tỷ đồng, 35 tỷ đồng (2017-2019).
Như vậy có thể thấy, Công ty Đại An đã có sự bất nhất về số liệu tài chính trong hồ sơ dự thầu và dữ liệu của cơ quan chức năng.
Đứng về mặt pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng Luật Tinh thông luật cho biết, theo điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi gian lận trong lựa chọn nhà thầu là nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Khoản 1, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu.
Đối với trường hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nếu nhà thầu cung cấp báo cáo tài chính khác với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế thì tổ chuyên gia, bên mời thầu phải xem xét tới tính chất của hai báo cáo tài chính này (kỳ báo cáo, báo cáo hợp nhất hay báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ…).
"Trường hợp hai báo cáo tài chính này cùng loại và cùng kỳ báo cáo nhưng khác nhau về các số liệu thì đây được coi là hành vi gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định nêu trên. Theo đó, nhà thầu sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An được thành lập vào ngày 25/4/2005. Hiện chủ sở chính đặt tại số 7, ngõ 95 Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội.
Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông Nguyễn Hữu Quế (SN 1974). Trước đó ông Quế nhận chiếc ghế giám đốc từ ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1976) từ năm giữa năm 2018. Vốn điều lệ của Công ty Đại An tính đến cuối năm 2020 là 9,5 tỷ đồng. Được biết, ông Quyết còn là giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Việt Tân Giang, một nhà thầu Hà Nội cũng có năng lực tài chính rất kém tích cực.