C.P Việt Nam muốn niêm yết trên HoSE
Trong thông báo lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Pokphand (CPP) cho biết trong cuộc họp Hội đồng quản trị được tổ chức vào ngày 22/4/2022, Hội đồng Quản trị đã chấp thuận cho công ty C.P Việt Nam (CPV) được đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông thiểu số. Đây là doanh có quy mô lớn và là công ty FDI.
Được biết, hồi tháng 10/2021, C.P Pokphand (CPP), công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của CPV có kế hoạch tư nhân hoá và huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX).
Khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan với việc hoàn tất phát hành cổ phiếu, CPV sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Cách đây 10 năm, ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi của Việt Nam xôn xao bởi thương vụ C.P. Pokphand (CPP) nhận chuyển nhượng phần lớn cổ phần trong C.P. Việt Nam. CPP niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, thực tế là công ty trực thuộc Charoen Pokphand Foods (CPF) của Tập đoàn CP – Thái Lan, một trong những công ty nông nghiệp hàng đầu Châu Á.
Kể từ đó, C.P. Việt Nam bước vào một thập kỷ tăng trưởng đáng nể, tính đến hết năm 2020, doanh thu của công ty này tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011. Lợi nhuận từ loanh quanh mức 1.000 – 2.000 tỷ đồng tiệm cận mức 1 tỷ USD.
Năm 2021, doanh thu của CPV đạt hơn 111 tỷ Bath (tương đương khoảng 3,6 tỷ USD), tăng 3% so với năm 2020. Doanh nghiệp này nằm trong số những doanh nghiệp lãi tốt nhất Việt Nam. Sánh ngang cùng các FDI hàng đầu khác như Samsung Electronics hay Honda Việt Nam...
CPV thống trị mảng chăn nuôi Việt Nam, cụ thể với thịt heo và thịt gà. Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty này đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo và thức ăn gia cầm).
Với quy mô của mình, C.P Việt Nam có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các công ty FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Đó là còn chưa kể sự kiện này có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các công ty FDI khác muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, một số đã mắc kẹt nhiều năm.
Mới đây nhất, C.P Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn PAN, qua đó đầu tư 25% cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) – một doanh nghiệp tôm lớn của Việt Nam.
C.P. Việt Nam hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trải dài trên toàn quốc với tổng công suất hơn 4,2 triệu tấn/năm; 1 nhà máy sơ chế bắp tại Đắk Lắk và 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản (Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ) với tổng công suất 550.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Huế và Bến Tre cùng 3 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.