Cử tri bức xúc tình trạng "thổi giá đất" tràn lan: Cần có giải pháp ngăn chặn

07/10/2022 07:58 GMT+7
Cử tri nhiều địa phương đã phản ánh các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, thị trường bất động sản, “cò đất” thổi giá đất... Cử tri kiến nghị cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi “thổi giá đất”, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Cử tri kiến nghị tình trạng thổi giá đất tràn lan

Cử tri tại các địa phương như tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bình Phước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề tăng cường công tác chỉ đạo, có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tự phát, không theo quy hoạch tại một số địa phương, gây khó khăn trong hoạt động quản lý đất đai, nhất là quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi thổi giá đất của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ quy định chặt chẽ hơn trong việc tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất, tránh để hành vi "thổi giá đất" do "cò đất" gây ra nhằm trục lợi, qua đó góp phần tạo cơ hội cho người thực sự có nhu cầu muốn mua đất để định cư ổn định cuộc sống được mua đất với giá trị thực và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Tình trạng thổi giá đất do "cò đất" diễn ra tại nhiều địa phương gây bức xúc tới người dân (Ảnh: NM)

Tình trạng thổi giá đất do "cò đất" gây ra tại nhiều địa phương khiến người dân bức xúc (Ảnh: NM)

Cùng với đó, cử tri kiến nghị về tình trạng đầu cơ đất đai thời gian qua diễn ra rất sôi động, thổi giá đất tăng cao, người nghèo, người có thu nhập thấp không thể mua được đất để cất nhà, đất bỏ hoang hóa, lãng phí tài nguyên ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách quản lý nhà nước, cuộc sống bình thường của người dân, đề nghị ban hành chính sách để quản lý vấn đề đất đai một cách chặt chẽ.

Ngoài ra, hiện tượng không lành mạnh trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường, đặc biệt có nhiều dấu hiệu lừa đảo trong giao dịch bất động sản trên cả nước. Các dự án treo, quy hoạch treo, việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án gây lãng phí rất lớn nguồn lực của nhà nước và xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, cần sớm có giải pháp chấn chỉnh… những vấn đề này cũng được các cử tri quan tâm và kiến nghị.

Cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng thổi giá đất gây "sốt đất"

Theo các chuyên gia, không ít trường hợp nhà đầu tư "ôm hận" vì chạy theo những thông tin mãi chỉ nằm trên giấy. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cơn sốt đất diễn ra ở các khu vực từ trước đến nay. Tâm lý của giới đầu tư, đặc biệt đầu tư lướt sóng là ở đâu có thông tin tốt liền dồn về đó để "kiếm lời".

Nhiều cơn sốt đất chóng vánh diễn ra cũng từ những hoạt động mua bán qua tay của giới đầu cơ. Thậm chí, dân đầu cơ dùng các chiêu trò để thổi giá đất để kiếm lợi từ nhà đầu tư khác. Bài học nhãn tiền đã để lại từ nhiều cơn sốt đất ở các khu vực phía Bắc, phía Nam. Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp "cuối cùng" phải ôm những quả bom nổ chậm, chôn vốn vì đầu tư kiểu lướt sóng, chạy theo thông tin.

Theo Tổng cục quản lý đất đai, các địa phương phải kiểm soát việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trên thị trường, nghiêm cấm mua đi bán lại đất nông nghiệp rồi sau đó lại tìm cách chia, tách, phân lô, bán nền. Trước mắt, yêu cầu các địa phương không được điều chỉnh bảng giá đất tăng lên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, các thông tin về quy hoạch sử dụng đất. Cần thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản nằm đắp chiếu bởi chưa có nhu cầu thực sự, cùng với đó phải thúc đẩy để có nguồn hàng ra làm hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Các địa phương cần thường xuyên thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng thổi giá đất (Ảnh: TN)

Các địa phương cần thường xuyên thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng thổi giá đất (Ảnh: TN)

Theo Hội Môi giới Bất động sản Khu vực Miền Nam, hiện nay, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Đã có nhiều trường hợp lấy hình ảnh, thông tin dự án của tập đoàn uy tín để quảng cáo, tổ chức hội nghị chào mời khách hàng. Khi khách hàng đến nơi thì họ đưa lên xe chở đi bán các dự án hẻo lánh, ít người biết đến.

Theo TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm quan sát diễn biến thị trường bất động sản trong nhiều năm cho biết, không phải khi nào giá đất tăng cao cũng là sốt đất. Tại khu vực thu hút đầu tư, hạ tầng phát triển, quy hoạch thay đổi thì việc tăng giá đất là chuyện bình thường. Nhưng khi không thu hút được đầu tư, quy hoạch không có gì mới, hạ tầng vẫn không phát triển mà giá đất lại được đẩy lên cao thì đó là hiện tượng sốt đất ảo.

"Vì những hệ lụy tiêu cực mà hiện tượng này gây ra đối với xã hội nên việc kiểm soát, hạ nhiệt thị trường bất động sản khi có nguy cơ bong bóng là điều cần thiết để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh, đảm bảo việc sử dụng đất có hiệu quả", luật sư Cường chia sẻ.

Nhận định về các biện pháp ổn định giá đất gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhờ các động thái can thiệp của nhà nước thị trường đã bình ổn trở lại. Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng... Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục