Cục Hàng hải "mạnh tay" ngăn chặn tình trạng nâng giá cước vận tải biển

15/09/2021 18:04 GMT+7
Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ công khai giá cước, phụ thu vận tải container bằng đường biển, nhằm ngăn chặn tình trạng nâng giá cước vận chuyển khi "qua tay" các đại lý hàng hải.

Trong văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các Cảng vụ quản lý hoạt động tàu container yêu cầu các hãng tàu vận tải container cung cấp và cập nhật thông tin giá cước, phụ thu giá vận tải container quốc tế và nội địa bằng đường biển trên các tuyến vận tải container xuất phát từ khu vực cảng biển do cảng vụ quản lý.

Cùng với đó, các đơn vị công khai giá cước trên trang thông tin điện tử của cảng vụ hàng hải, gửi đường dẫn đăng tải bảng giá về Cục Hàng hải Việt Nam để thực hiện kết nối trực tiếp với trang thông tin điện tử của đơn vị này.

Cục Hàng hải "mạnh tay" ngăn chặn tình trạng nâng giá cước vận tải biển - Ảnh 1.

Hàng hoá thông qua Cảng Lạch Huyện, TP.Hải Hòng. Ảnh: SGP

Việc niêm yết công khai giá cước này nhằm minh bạch giá cước vận tải container bằng đường biển trong bối cảnh giá vận tải container tăng phi mã, đồng thời có phản ánh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng nâng giá cước vận chuyển khi "qua tay" các đại lý hàng hải (môi giới giữa hãng tàu và chủ hàng) gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, Cục có nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu về việc, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hàng xuất từ cảng biển Việt Nam qua cảng Long Beach (Mỹ) giá cước chỉ 1.800 USD/container thì đến nay, giá cước cùng chặng đã tăng đến 4 - 5 lần.

Với tuyến dịch vụ từ cảng Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ, nếu thời điểm tháng 5/2021, cước vận tải mới khoảng 6.000 USD/container, thời điểm tháng 8/2021 tăng đến 9.000-15.000 (tùy từng tuyến).

Mới đây, Trading Economics và các nhà phân tích dự báo chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) dự kiến sẽ về mức 3.706,74 điểm vào cuối quý III/2021, sau khi đạt đỉnh hơn 4.235 vào ngày 27/08/2021. Các nhà phân tích ước tính chỉ số BDI sẽ giảm về mức 3.272,42 trong 12 tháng tới. Điều này đồng nghĩa, chúng ta có thể kỳ vọng giá cước tàu có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.

Theo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, là do thời gian gần đây, tình trạng ách tắc hàng hóa không chỉ diễn ra tại các cảng biển ở Mỹ và một phần châu Âu mà lan rộng ra cả Trung Quốc nên số lượng vỏ container ngày càng thiếu so với nhu cầu xuất hàng tại các quốc gia như Việt Nam.

Nếu trước đây, thời gian quay vòng một container khoảng 60 ngày thì hiện đã tăng lên hơn 100 ngày do chính sách kiểm dịch tại các quốc gia. Tốc độ quay vòng của container chậm hơn khiến các hãng tàu tiếp tục tăng giá cước để bù đắp chi phí vận hành.

Cục Hàng hải "mạnh tay" ngăn chặn tình trạng nâng giá cước vận tải biển - Ảnh 2.

Cảng Cát Lái đang là đầu mối trung tâm vận tải biển khu vực phía Nam. Ảnh: SGP

Được biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển có sự tham gia của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Kết quả kiểm tra ban đầu việc chấp hành quy định niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP cho thấy, các hãng tàu nước ngoài chấp hành tương đối tốt việc niêm yết giá.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện chúng ta chưa có quy định buộc hãng tàu công khai các thông tin như: Khi đến Việt Nam, hãng tàu cung cấp được bao nhiêu container rỗng, số lượng chỗ trống để xếp container dành cho chủ hàng Việt Nam khi tàu vào cảng, số lượng chuyến định kỳ… khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể rơi vào thế bị động bất cứ lúc nào, như việc xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và Mỹ thời gian qua.

Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như: Khi vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng… nhằm tránh việc hãng tàu tự ý bỏ tuyến, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, sửa đổi Nghị định số 142/2017/NĐ-CP, bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm các quy định về kê khai, niêm yết; tăng mức xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quy định về kê khai, niêm yết giá và rà soát sửa đổi Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục Hàng hải cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước mà hãng tàu thu đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại cảng Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế.


Thế Anh
Cùng chuyên mục