Cung cấp đồ gỗ nội thất số 1 cho Hoa Kỳ, Việt Nam đối mặt với kiện phòng vệ thương mại

01/06/2022 14:31 GMT+7
Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), tháng 3/2022 Hoa Kỳ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với tháng 3/2021. Trong 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Cung cấp đồ gỗ nội thất số 1 cho Hoa Kỳ, Việt Nam đối mặt với kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 2,22 tỷ USD.

Cung cấp đồ gỗ nội thất số 1 cho Hoa Kỳ, Việt Nam đối mặt với kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 2.

Nguồn: Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 2,22 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 34,2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, giảm 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. 

Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này. Theo Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương, Hoa Kỳ sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, quyết định được đưa ra vào cuối tháng 5/2022. 

Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại, sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ dịch chuyển đơn hàng của Hoa Kỳ sang các quốc gia Nam Mỹ và một số nước Đông Âu. Các khu vực đó có nguyên liệu rừng, mặc dù giá nhân công và chi phí sản xuất cao hơn, nhưng bù lại có lợi thế về vị trí địa lý nên chi phí logistics sẽ thấp hơn và giá cả sẽ cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Việt Nam. 

Do đó, để giữ vững vị trí cung cấp số 1 cho Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về chứng từ, hóa đơn với nguồn gốc hàng hóa để kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu điều tra xác minh của cơ quan hữu quan Hoa Kỳ. 

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường như: Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là Mehico đạt 539,7 triệu USD, tăng 52,1%; Canada đạt 393,6 triệu USD, tăng 19,4%...

Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Hoa Kỳ nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 đều tăng, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng. Trong đó, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. 

Dẫn đầu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 2,46 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng ghế khung gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong năm 2021, nhưng đến 3 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, đạt 881,7 triệu USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 825,6 triệu USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1,96 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng này lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 641,4 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Mehico, Indonesia, Ấn Độ…

Cung cấp đồ gỗ nội thất số 1 cho Hoa Kỳ, Việt Nam đối mặt với kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 3.

Nguồn: Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia do nghi ngờ các sản phẩm này sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc nhóm mà Hoa Kỳ đang áp thuế phòng vệ thương mại.

Cụ thể, trong lệnh áp thuế với Trung Quốc, DOC quy định tủ gỗ và các bộ phận thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp nếu được gia công thêm ở nước thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các công đoạn sau: bào, cắt, đục rãnh, đột lỗ, khoan, sơn, tạo màu, hoàn tất hoặc các công đoạn khác, vẫn nằm trong phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Theo quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.

Dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý). Do đó, trong quá trình điều tra, DOC có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho việc xem xét.

Trong hai đề nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ, DOC đã chấp nhận khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm; còn với điều tra lẩn tránh thuế, DOC vẫn đang gia hạn khởi xướng điều tra đến ngày 6/6.

Trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc, nhập khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm 54%, từ 2,5 xuống còn 1,6 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng tới hơn 130%, từ 1,37 lên 2,7 tỷ USD.

Đặc biệt lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng gần gấp 4 lần, từ 232 triệu lên 810 triệu USD.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ tăng nhanh và mạnh là tín hiệu tích cực. Song, gỗ Việt phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường này.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ tiếp tục rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục