Mỹ tạm thời chưa áp thuế với đồ gỗ Việt Nam

17/01/2021 06:54 GMT+7
Chưa có hành động trừng phạt nào sau khi Cơ quan Thương mại Mỹ (USTR) có báo cáo sau cùng về cuộc điều tra ‘phá giá đồng tiền và nguồn gốc gỗ’ của Việt Nam.
Mỹ tạm thời chưa áp thuế với đồ gỗ Việt Nam - Ảnh 1.

Phía Mỹ chưa có bất cứ hành động trừng phạt nào sau khi Cơ quan Thương mại Mỹ (USTR) có báo cáo sau cùng về cuộc điều tra "phá giá đồng tiền và nguồn gốc gỗ" của Việt Nam. Ảnh: Vnforest.

Thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam và đặc biệt là Chính phủ đã làm việc liên tục, nỗ lực không ngừng nhằm tháo gỡ và giải thích cho phía Mỹ hiểu rõ bản chất về cuộc điều tra liên quan tới phá giá đồng tiền và nguồn gốc gỗ của Việt Nam.

Những nỗ lực trên là cực kỳ quan trọng, bởi nếu bị Mỹ áp thuế, hàng nghìn doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải đương đầu khó khăn vô cùng lớn bởi nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, bất cứ những tác động nào đều gây hệ lụy rất lâu dài. Đặc biệt, cả nước hiện có trên 5.400 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, 340 làng nghề gỗ với khoảng nửa triệu lao động trực tiếp, hơn 1 triệu hộ nông dân trồng rừng và cao su tiểu điền.

Với nội dung “phá giá đồng tiền”, ngày 15/1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ra thông cáo về kết quả cuộc điều tra theo Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 liên quan đến chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam.

Trong kết luận, Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer cho biết hiện chưa có động thái cụ thể nào liên quan đến các kết luận trong cuộc điều tra này. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn hiện có.

"Các động thái, chính sách không công bằng khiến tiền tệ yếu đi sẽ gây thiệt hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ. Những vấn đề này cần được giải quyết. Tôi hy vọng Mỹ và Việt Nam có thể tìm ra phương hướng chung để giải quyết các lo ngại của chúng tôi", Lighthizer cho biết.

Trong báo cáo kết quả điều tra đi kèm, USTR kết luận: "Các hành động, chính sách của Việt Nam, trong đó có can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các động thái liên quan khác là không hợp lý và gây sức ép lên thương mại Mỹ". Để đưa ra các kết luận này, USTR cho biết đã tham vấn Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan đến định giá tiền tệ và chính sách ngoại hối của Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam chúng ta sẽ có thêm thời gian để cùng với phía Mỹ, đặc biệt là chính quyền mới của tân Tổng thống Joe Biden có những trao đổi, chia sẻ để cùng làm rõ những khúc mắc giữa hai bên về chính sách tiền tệ và nguồn gốc gỗ trong thời gian tới để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai quốc gia.

Nguyễn Huân
Cùng chuyên mục