Cuộc tháo chạy bất thành khỏi những toà chung cư giá rẻ
Vợ chồng anh Đức mua một căn hộ 65m2 tại khu Kim Văn – Kim Lũ (quận Hoàng Mai), sau khi cộng 100 triệu tiền chênh, hoàn thiện đầy đủ nội thất tổng chi phí hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm vợ chồng anh đã quyết định bán để mua căn hộ tại dự án khác do chất lượng căn hộ xuống cấp, tiện ích, dịch vụ ngày càng kém.
“Tuy đã rao bán với giá 1,18 tỷ đồng, chấp nhận lỗ hơn 200 triệu đồng, chịu phí sang tên nhưng cũng chỉ vài khách đến xem và sau gần 2 năm rao bán tôi vẫn chưa sang nhượng được”, anh Đức chia sẻ. Ròng rã rao bán không được, song để cải thiện không gian sống, vợ chồng anh Đức cho thuê căn hộ tại dự án này, để đi thuê nhà ở nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, chủ nhà này cũng phải giảm giá tới 2 lần mới tìm được khách thuê.
Một số dự án cũng của chủ đầu tư này nằm tại Đại Thanh, Linh Đàm... cư dân cũng ồ ạt rao bán nhưng bất thành. Chất lượng xuống cấp, không có sổ đỏ, hệ thống tiện ích bị quá tải... là những nguyên nhân khiến người mua không mấy mặn mà và khó khi giao dịch, mặc dù trước đây để mua được các căn hộ đa số họ phải xếp hàng hoặc trả tiền chênh hàng trăm triệu mỗi căn.
Nhiều cư dân từng chấp nhận mua các căn hộ mini giá rẻ, bấp bênh về pháp lý cũng gặp vấn đề tương tự. Chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) muốn bán lại căn hộ chung cư mini nằm trên đường Thái Hà nhưng rao bán nhiều tháng nay vẫn chưa giao dịch được. Cuối năm 2018, vợ chồng chị mua căn hộ này với giá 850 triệu đồng, diện tích 46m2, bao gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ. Sau khi chuyển về khoảng nửa năm, chị phát hiện chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế xây dựng khiến căn hộ của chị không có sổ đỏ riêng. Vì vướng giấy tờ pháp lý nên giờ chị muốn bán căn hộ cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, vì là dự án quy mô nhỏ nên chất lượng xây dựng cũng ngày một đi xuống.
Ở nhiều dự án chung cư giá rẻ, bên cạnh tình trạng xuống cấp, cư dân còn gặp các vấn đề thiếu các điều kiện an toàn tối thiểu. Tại chung cư 76 Cự Lộc (Thanh Xuân, Hà Nội), cư dân cho biết, hệ thống phòng cháy chữa cháy không có một đủ tiêu chuẩn và không được bảo trì bảo dưỡng. Sau 5 năm bàn giao, một số căn hộ còn xảy ra thấm dột, nước sinh hoạt không đảm bảo.
"Nhiều nhà muốn bán để chuyển đi nơi khác, đã rao bán nhiều chỗ trong thời gian dài nhưng chưa có ai mua", anh Chiến, một cư dân sinh sống tại đây cho hay.
Cách đây 5-10 năm, Hà Nội bắt đầu xuất hiện không ít các khu chung cư giá rẻ chỉ từ 10-13 triệu đồng/m2 như Tân Tây Đô, Nam Xa La, Đại Thanh, HH Linh Đàm.... Có thời điểm các khu chung cư này còn gây sốt trên thị trường.
Tuy nhiên sau vài năm về ở, bên cạnh hạ tầng, chất lượng công trình ngày càng xuống cấp thì các hộ dân còn phải “đánh vật” vì cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên mỗi khi đi làm và trở về, tình trạng thang máy quá tải do tập trung quá đông người ở, không gian vui chơi hạn hẹp, thiếu khuôn viên cây xanh… Cũng bởi vậy, trên các kênh rao bán bất động sản trực tuyến cũng như tại các sàn giao dịch, lượng rao bán các căn hộ cũ giá rẻ hiện khá lớn.
"Đa phần khách mua đều phải cắt lỗ so với giá mua và mức đầu tư nội thất song khó để tìm được khách nên bản thân môi giới cũng không mặn mà việc bán hàng. Bởi vì hầu hết các dự án này đều đang gặp vấn đề về chất lượng và pháp lý nên khó chốt khách", anh Hiển, môi giới một sàn tại Thanh Xuân cho hay.