Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

15/10/2024 10:24 GMT+7
Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý các nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng. Từ đó, tạo sự thuận tiện, nhanh chóng trong các hoạt động giao dịch, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng của đơn vị.

Chất lượng tín dụng được nâng cao

Bà Nguyễn Thị Ánh Sương – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ cho biết: Thời gian qua, cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai tập huấn, cài đặt phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách xã hội nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý các nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách- Ảnh 1.

Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ đang đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: T.H.

Qua triển khai phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận Cẩm Lệ, đến nay đã cho thấy đây là hoạt động thiết thực góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn về dịch vụ tin nhắn NHCSXH cung cấp nói riêng và lợi ích, xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai nói chung.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền… cũng như mục tiêu ứng dụng công nghệ làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng, giảm thời gian giao dịch cho ngân hàng.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách- Ảnh 2.

Phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị. Ảnh: T.H.

Ngoài ra, ứng dụng còn có các tiện ích khác như kết quả giao dịch, phiếu thu, báo cáo, hộp thư, tra cứu điểm giao dịch. Ứng dụng đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, tiện lợi và hiệu quả. Đây là sản phẩm ứng dụng tối đa công nghệ để cải tiến công việc, góp phần chuyển đổi số toàn diện trong quản lý tín dụng xã hội.

Theo bà Sương, mô hình ứng dụng phần mềm qua điện thoại di động (Mobile App) sử dụng thuận tiện, giúp cán bộ NHCSXH có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác trong tổ chức họp giao ban diễn ra thuận lợi hơn ngay tại phiên giao dịch phường; số liệu hoạt động của các tổ chức hội và phường đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp các tổ trưởng, Hội đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách- Ảnh 3.

Ứng dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách mang lại nhiều tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, quản lý tín dụng hiệu quả.... Ảnh: T.H.

Phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trong các hoạt động trả lãi, gốc, gửi tiết kiệm..., phần mềm còn giúp cán bộ làm công tác quản lý thuận lợi trong điều hành, nắm bắt công việc để có những điều chỉnh kịp thời. Khi phát sinh lãi, nợ quá hạn cao hoặc các phương án tài chính không đảm bảo, chúng tôi sẽ có những chỉ đạo kịp thời để cấp địa phương, cơ sở chủ động, tránh phát sinh các trường hợp xấu.

Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng

Đến nay, quận Cẩm Lệ đã triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho tất cả các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội cấp phường tham gia thí điểm thực hiện giao dịch tổ, truy vấn thông tin trên ứng dụng.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách- Ảnh 4.

Ông Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP.Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ. Ảnh: T.H.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp người dùng tương tác, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn quận, giúp việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng.

Bà Trần Thị Hồng Ánh - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ dân phố 27, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lê, TP.Đà Nẵng cho biết: Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách vào công việc đã giúp chúng tôi nắm bắt thông tin hộ vay, khoản vay, thời hạn trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn một cách dễ dàng. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao dịch, ủy thác cho vay của tổ thuận lợi, hiệu quả hơn hẳn. Tổ của tôi hiện có 59 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 3 tỷ đồng, không có nợ xấu và nợ quá hạn".

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách- Ảnh 5.

Mô hình đúc chậu và trồng hoa cây cảnh của ông Nguyễn Thành Lâm ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cho hiệu quả kinh tế cao nhờ có vốn của NHCSXH tiếp sức. Ảnh: T.H.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý điều hành, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch tín dụng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng trên địa bàn quận Cẩm Lệ ngày được nâng cao.

Tổng doanh số cho vay 9 tháng đầu năm đạt 180,7 tỷ đồng, với 2.221 khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 9 tháng đầu năm đạt 123,9 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2024, toàn quận Cẩm Lệ có 10.237 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ đạt 635,4 tỷ đồng, tăng 56,4 tỷ đồng (+9,8%) so năm 2023, bình quân dư nợ đạt hơn 2,67 tỷ đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục