Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa"

23/05/2022 16:48 GMT+7
Những ngày giữa tháng 5/2022, giá cà phê thế giới phục hồi nhờ sức mua từ giới đầu cơ và sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil. Tuy nhiên, đà phục hồi của giá cà phê vẫn đang bị "đe dọa" bởi việc Fed tăng lãi suất và việc kiên định chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc.

Cà phê thế giới nhiều khả năng khó duy trì mức tăng giá ổn định 

Những ngày giữa tháng 5/2022, giá cà phê thế giới phục hồi nhờ sức mua từ giới đầu cơ và sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil. Xuất khẩu cà phê của Brazil giảm trong tháng 4/2022 cũng tác động tích cực lên giá cà phê thế giới. 

Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa" - Ảnh 1.

Những ngày giữa tháng 5/2022, giá cà phê thế giới phục hồi nhờ sức mua từ giới đầu cơ và sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil.

Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4/2022 đạt 2,81 triệu bao, giảm so với 3,78 triệu bao tháng 3/2022 và giảm so với 3,7 triệu bao tháng 4/2021. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ dần nới lỏng việc phong tỏa Thượng Hải tác động tích cực lên hầu hết thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung. Tuy nhiên, giao dịch vẫn đang ở mức thận trọng do giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa. 

Xung đột địa chính trị ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế thế giới và khiến lạm phát gia tăng, lãi suất tiền tệ gia tăng ở các nền kinh tế phát triển. Giá cả hàng hóa có xu hướng tăng khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Do đó, giá cà phê thế giới nhiều khả năng sẽ không duy trì mức tăng ổn định trong thời gian tới. 

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/5/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 11/2022 tăng lần lượt 1,0%, 1,3% và 1,4% so với ngày 9/5/2022, lên mức 2.104 USD/ tấn, 2.105 USD/tấn và 2.100 USD/tấn.

Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa" - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/5/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 cùng tăng 8,0% so với ngày 9/5/2022, lên mức 227,2 Uscent/lb, 227,25 Uscent/lb và 226,9 Uscent/lb.

Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa" - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/5/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 tăng lần lượt 4,9%, 8,3% và 8,5% so với ngày 9/5/2022, lên mức 282,55 Uscent/ lb, 284,5 Uscent/lb và 282,75 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.159 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 21 USD/ tấn (tương đương mức tăng 1,0%) so với ngày 9/5/2022.

Tuần qua, giá cà phê Robusta có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng đan xen, các mức tăng đáng kể, đưa giá kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 16 USD (0,78%) lên 2.056 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp dưới mức trung bình.

Giá cà phê Arabica cũng có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng đan xen, các mức tăng rất đáng kể, đưa giá kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 1,95 Cent (0,91%), lên 215,85 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Thời tiết ở Brazil giữa tuần qua có nhiều mây và gió mạnh đã ngăn cản việc hình thành sương giá trên các vùng trồng cà phê ở phía Đông Nam như nhiều dự báo trước đó, nên ngay trong tuần, sau phiên tăng bất ngờ, giá cà phê đã sớm điều chỉnh, chỉ còn tăng nhẹ. Viện khí tượng quốc gia INMET, Bộ Nông nghiệp Brazil khẳng định không còn nguy cơ sương giá ở các vùng cà phê kể từ sáng thứ năm và nền nhiệt tại các vùng cà phê sẽ bắt đầu ấm hơn với nhiều cơn mưa rải rác ở khắp nơi. Tuy vậy, các giới đầu cơ tỏ ra thận trọng, tiếp tục đứng bên ngoài các thị trường cho nên khối lượng thương mại trong tuần qua khá thấp trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn.

Giá cà phê chốt phiên giao dịch tuần qua (ngày 20/5) quay đầu giảm, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 24 USD (1,15%), giao dịch tại 2.056 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 22 USD (1,06%) giao dịch tại 2.059 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 7/2022 cũng giảm 2,85 Cent (1,30%), giao dịch tại 215,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1,28 Cent/lb (1,28%), giao dịch tại 216,0 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Giá cà phê trong nước sẽ bị tác động ra sao tới đây?

Những ngày giữa tháng 5/2022, giá cà phê Robsuta nội địa có xu hướng phục hồi theo giá thế giới. Ngày 18/5/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 9/5/2022, lên mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; 41.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; 41.900 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.

Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa" - Ảnh 4.

Nguồn: Tintaynguyen.com

Giá cà phê trong nước hôm nay (23/5) đứng yên, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.200 đồng/kg, giá thấp nhất  tại tỉnh Lâm Đồng là 40.500 đồng/kg.

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng, tại Bảo Lộc, Lâm Hà, ở mức 40.600 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 40.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 41,200 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 41,200đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai, giá ở Pleiku là 41,100đồng/kg và Ia Grai giao dịch quanh mức 41,100đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông, dao động 41,100đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum, dao động 41,000đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM, dao động 45.100 đồng/kg.

Đà phục hồi của giá cà phê đang bị "đe dọa" - Ảnh 5.

Giá cà phê trong nước hôm nay (23/5) đứng yên, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.200 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 40.500 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 10,54 nghìn tấn, trị giá 25,9 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 61,8% về trị giá so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 45,14 nghìn tấn, trị giá 110,13 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 4/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt mức 2.458 USD/tấn, tăng 2,8% so với tháng 3/2022 và tăng 15,8% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt mức 2.440 USD/tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Về chủng loại: Quý I/2022, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 30,31 nghìn tấn, trị giá 61,8 triệu USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 36,6% về trị giá so với quý I/2021. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta sang Nhật Bản chiếm 73,48% tổng trị giá trong quý I/2022, thấp hơn so với tỷ trọng 75,8% trong quý I/2021. Đáng chú ý, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản, mức tăng 63,6% so với quý I/2021, đạt 16,3 triệu USD. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản chiếm 19,38% tổng trị giá trong quý I/2022, cao hơn so với tỷ trọng 16,93% trong quý I/2021.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê trong nước tới đây sẽ bị tác động mạnh từ cà phê thế giới. Nổi bật là triển vọng cung - cầu cà phê thế giới, ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021- 2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước, trong khi tiêu thụ toàn cầu dự kiến đạt 170,3 triệu bao (loại 60 kg), tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ 2020-2021.

Với dự báo mới nhất này của ICO, thị trường cà phê toàn cầu có thể sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. Nhưng điều này sẽ không còn là mối lo khi Brazil đã bước vào thu hoạch cà phê của niên vụ mới 2022-2023 với sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một”. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá cà phê trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Theo đó, lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ dao động trong khoảng 0,75 - 1%. Nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Do đó, lực cản lớn đối với giá cà phê trong thời gian tới là việc Fed tăng lãi suất tăng khiến giới kinh doanh phải trả lãi ngân hàng cao hơn và chi phí đầu tư (mua hàng) nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc kiên định với chính sách "Zero Covid" cũng khiến tiêu thụ cà phê tại thị trường tỷ dân này giảm sút. Do đó, giá cà phê trong ngắn hạn nhiều khả năng tiếp tục xu hướng giảm, tác động mạnh tới giá cà phê trong nước của ta.

Báo cáo khảo sát vụ mùa lần hai của Conab, Brazil cho thấy, họ ước tính vụ mùa cà phê năm nay của Brazil sẽ đạt tổng cộng 53,4 triệu bao tăng 12% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm 15,3% so với mức kỷ lục của năm 2000, là năm Arabica cho sản lượng cao gần đây nhất. Theo đó, sản lượng Conilon Robusta sẽ đạt mức kỷ lục 17,7 triệu bao, tăng 8,66% và dự đoán sản lượng Aabica sẽ đạt 35,7 triệu bao, tăng 13,6% so với vụ năm ngoái.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục