Động lực nào cho giá cà phê cuối tháng 5?
Tốc độ giảm giá cà phê sẽ chậm lại?
Đầu tháng 5/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Áp lực từ vụ mùa mới của Brazil và đồng real suy yếu trở lại đã khuyến khích người trồng Brazil đẩy mạnh bán ra. Căng thẳng địa chính trị kéo dài, lạm phát ở mức cao, kinh tế suy thoái cùng với chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trì trệ, đẩy các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/5/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 11/2022 giảm lần lượt 0,3%, 0,7% và 1,1% so với ngày 29/4/2022, xuống còn 2.083 USD/tấn, 2.079 USD/ tấn và 2.072 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/5/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 giảm lần lượt 3,3%, 3,2% và 3,0% so với ngày 29/4/2022, xuống còn 210,45 Uscent/lb (kỳ hạn tháng 7 và tháng 9/2022) và 210,1 Uscent/lb (kỳ hạn tháng 12/2022).
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/5/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 giảm lần lượt 0,2%, 2,8% và 3,2% so với ngày 29/4/2022, xuống còn 269,4 Uscent/lb, 262,7 Uscent/lb và 260,55 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.138 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,3%) so với ngày 29/4/2022.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá cà phê sẽ chậm lại sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đưa ra Báo cáo Thị trường tháng 3/2022.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3/2022 tăng 4,03% so với tháng 3/2021. Lũy kế 12 tháng (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), xuất khẩu cà phê Arabica đạt 80,90 triệu bao, giảm 2,14% và xuất khẩu Robusta đạt 48,90 triệu bao, tăng 2,14% so với 12 tháng trước đó.
ICO đã giữ dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2021/2022 ở mức 167,20 triệu bao, thấp hơn 2,10% so với niên vụ 2020/2021 và giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ này ở mức 170,30 triệu bao, tăng 3,3% so với niên vụ 2020/2021. Theo đó, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 3,1 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021/2022. Điều này sẽ không còn là mối lo khi Brazil đã bước vào thu hoạch cà phê của niên vụ mới 2022/2023 với sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một”.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (13/5), giá cà phê trên cả hai sàn phái sinh tiếp tục xu hướng giảm kéo dài.
Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 18 USD (0,87%), giao dịch tại 2.040 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 18 USD (0,87%) giao dịch tại 2.043 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1,40 Cent (0,65%), giao dịch tại 213,9 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1,30 Cent/lb (0,60%), giao dịch tại 214,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Ngày giao dịch cuối cùng của tuần này, dường như thị trường cũng đã bình tĩnh trở lại sau tin dự báo thời tiết có khả năng xảy ra sương giá tại các vùng trồng cà phê ở miền Nam Brazil kể từ đầu tuần sau. Tuy nhiên thực tế, mặc dù có giá rét kéo dài ở miền Trung và miền Nam Brazil nhưng khả năng xảy ra sương giá trên các vùng trồng cà phê rất thấp. Hiện chưa tới mùa Đông ở Brazil và lịch sử cho thấy chưa hề có sương giá xảy ra trong khoảng thời gian này. Có lẽ thị trường đã lo lắng thái quá, do đó, tin thời tiết giá rét đợt này chỉ là cơ hội để đầu cơ gặt hái lợi nhuận trong ngắn hạn. Giá cà phê đã nhanh chóng sụt giảm ngay trong phiên hôm sau, trả lại xu thế vốn có của thị trường.
Thị trường cà phê trong nước cũng giao dịch khá trầm lắng. Giá giảm xuống mức thấp, trong khi giá vật tư phân bón tăng cao. Giá cà phê hôm nay (15/5) dao động trong khoảng 40.100 - 40.700 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê biến động mạnh song nhìn chung có xu hướng đi xuống. Các tỉnh thành ghi nhận mức giảm 300 đồng/kg so với đầu tuần.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 40.700 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 40.100 đồng/kg. Tương tự, sau biến động, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch với chung mức 40.600 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê có giữ được đà tăng trưởng trong quý II?
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 157,45 nghìn tấn, trị giá 362,31 triệu USD, giảm 25,4% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với tháng 3/2022, so với tháng 4/2021 tăng 19,2% về lượng và tăng 47% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 739 nghìn tấn, trị giá 1,66 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 57,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá, tháng 4/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.301 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng 3/2022 và tăng 23,4% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.245 USD/tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, tháng 4/2022 so với tháng 4/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Philippines giảm mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng tới 144,4% về lượng và tăng 218,3% về trị giá. 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Bỉ, Anh, Hà Lan tăng trưởng tới 3 con số.
Vậy xuất khẩu cà phê của Việt Nam có giữ được đà tăng trưởng mạnh trong quý II hay không? Câu trả lời là có thể đạt được nếu nhìn vào thị phần cà phê của ta tại 5 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Bởi thực tế, năm qua, thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn có xu hướng tăng. Do đó, hầu hết các quốc gia có dung lượng thị trường lớn đều tăng nhập khẩu cà phê phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và ngành công nghiệp sản xuất cà phê chế biến, ngoại trừ Anh giảm 6,2% so với năm 2020.
Đối với ngành cà phê Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và thông quan hàng hóa diễn ra không thuận lợi. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung khác, giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Song tình hình hiện nay đã khác, Việt Nam đã và đang khống chế thành công dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê đã sôi động trở lại. Cục Xuất nhập khẩu dự báo quý II xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam...