Đà tăng giá lợn hơi khó bền, dự báo "nóng" về sản lượng và xuất nhập khẩu thịt của Trung Quốc
Giá lợn hơi hôm nay 26/3: Dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg được ghi nhận tại một loạt các địa phương gồm Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 50.000 đồng/kg được các thương lái thu mua tại các địa phương gồm Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội, Tuyên Quang. Các địa phương gồm Bắc Giang, Vĩnh Phúc cùng ghi nhận giá lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận sự biến động mới và dao động trong khoảng 48.000 – 51.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Ở chiều ngược lại, thương lái tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi duy trì thu mua lợn hơi với giá 48.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các địa phương khác trong khu vực, ghi nhận giá lợn hơi trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay lặng sóng và dao động trong khoảng 49.000 – 52.000 đồng/kg. Trong đó, Vũng Tàu và Cà Mau cùng ghi nhận giá lợn hơi chung mức 52.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Thấp hơn một giá, tại Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang Bạc Liêu, Bến Tre cùng ghi nhận giá lợn hơi ở mức 51.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, thương lái duy trì thu mua lợn hơi quanh mức 49.000 – 50.000 đồng/kg.
Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi biến động tăng nhẹ. Giá lợn hơi trung bình các khu vực hiện vẫn xoay quanh ngưỡng 50.000 đồng/kg. Cụ thể, ghi nhận trong ngày 26/3, giá lợn hơi trung bình khu vực miền Bắc đứng ở mức 49.760 đồng/kg; khu vực miền Trung – Tây Nguyên ở mức 49.350 đồng/kg; khu vực miền Nam ở mức 51.100 đồng/kg.
Trước đó, thị trường hi vọng đà tăng của giá lợn hơi kéo dài. Cuối tuần này, miền Nam ghi nhận nhiều tỉnh tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre,... Tại tỉnh Hưng Yên lại điều chỉnh giảm 1 giá về mức 50.000 đồng/kg, là tỉnh duy nhất giảm. Mức giá lên xuống chưa thấy sự bền vững, người chăn nuôi vẫn chờ đợi thêm thời gian để có thể tái đàn mạnh mẽ hơn.
Ngày 26/3, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 54.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc giảm xuống mức 50.800 đồng/kg.
Theo Báo cáo của USDA, sản lượng lợn năm 2023 của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 2% so với năm ngoái xuống 700 triệu con do lượng lợn nái tồn kho trung bình năm 2022 thấp hơn so với năm 2021.
Nhập khẩu lợn giống năm 2023 dự báo là 5.000 con do tồn kho lợn nái trong nước lớn. Vào đầu năm 2023, lượng lợn nái tồn kho tại Trung Quốc đã vượt quá mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA). Tồn kho lợn nái lớn dự kiến sẽ hạn chế nhập khẩu lợn giống.
Sản lượng thịt lợn năm 2023 ước đạt 55,5 triệu tấn (MMT), tăng nhẹ. Các nhà sản xuất dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của người tiêu dùng sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID. Tăng trưởng sản xuất thịt lợn sẽ bị hạn chế bởi giá thịt lợn. Năm 2023, các nhà sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng đàn khi họ cho rằng giá sẽ tăng.
Năm 2023, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gần 4% so với năm 2022 lên 2,2 triệu tấn do nhu cầu của người tiêu dùng mạnh hơn sau khi các biện pháp hạn chế do COVID kết thúc, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu sẽ bị kìm hãm bởi sản xuất trong nước tăng.
Dự báo sản lượng gia súc năm 2023 không thay đổi ở mức gần 52,6 triệu con. Tăng trưởng đàn dự kiến sẽ chậm lại do lượng bò tồn kho năm 2022 tăng nhẹ so với năm 2021.
Nhập khẩu gia súc của Trung Quốc năm 2023 được dự báo sẽ giảm xuống 270 nghìn con, từ mức 350 nghìn con trong năm 2022 do lượng gia súc tồn kho lớn và các lệnh cấm xuất khẩu do nhà cung cấp khởi xướng.
Sản lượng thịt bò của Trung Quốc năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3% lên 7,4 triệu tấn do nhu cầu đối với các sản phẩm thịt bò trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, tổ chức (HRI) và bán lẻ tăng mạnh hơn sau khi các hạn chế về Covid kết thúc.
Nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc năm 2023 được dự báo giảm nhẹ xuống mức 3,4 triệu tấn. Vào tháng 2/2023, Brazil đã tự đình chỉ xuất khẩu thịt bò sau khi phát hiện một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bò điên. Nếu việc đình chỉ kéo dài và không có nhà cung cấp thay thế nào khác thành hiện thực, giá thịt bò có thể tăng cao hơn và tác động tiêu cực đến tiêu thụ thịt bò trong năm 2023.
Được biết, theo dự báo, chăn nuôi lợn trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III/2023. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên. Trong khi đó, Việt Nam đã có vắc-xin dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Ngoài ra, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng do giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm dần so với hiện tại.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022; Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Trước việc Bộ Nông Lâm nghiệp Lào vừa thông báo tạm ngừng việc nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam và các nước đang có dịch tả lợn châu Phi, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, Việt Nam và Lào chưa có thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch thịt lợn từ Việt Nam sang Lào hoặc từ Lào sang Việt Nam.
Việc xuất khẩu thịt lợn (nếu có) giữa hai nước được thực hiện thông qua buôn bán tiểu ngạch (không hợp pháp) hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.
Do Việt Nam chưa xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Lào nên việc Lào dừng nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam không có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thịt lợn trong nước. Ngoại trừ việc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.