Thị trường không ổn định, giá lợn hơi khó trụ vững

20/03/2023 15:51 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 20/3/2023, thị trường không ổn định. Miền Bắc tăng giá nhẹ cuối tuần, chưa được bao lâu - nay lại giảm ở vài tỉnh về mức giá 49.000 đồng/kg tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Thị trường miền Nam giá dường như không biến động vẫn chỉ dao động quanh khoảng 48.000-51.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 20/3: Tăng giá chưa được bao lâu - nay lại lác đác giảm

Giá lợn hơi hôm nay 20/3/2023, thị trường không ổn định. Miền Bắc tăng giá nhẹ cuối tuần, chưa được bao lâu - nay lại giảm ở vài tỉnh về mức giá 49.000 đồng/kg tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Thị trường miền Nam giá dường như không biến động vẫn chỉ dao động quanh khoảng 48.000-51.000 đồng/kg.

Ngày 20/3, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 54.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc tăng nhẹ lên mức 52.400 đồng/kg.

Thị trường không ổn định, giá lợn hơi khó trụ vững  - Ảnh 1.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg.

Thị trường không ổn định, giá lợn hơi khó trụ vững  - Ảnh 2.

Thị trường không ổn định, giá lợn hơi khó trụ vững dù giá thấp

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi đồng loạt đi ngang trên diện rộng và giao dịch trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh gồm Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Lợn hơi tại các tỉnh, thành còn lại gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Tuyên Quang vẫn được thu mua ổn định với giá 50.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi giao dịch trong khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại tỉnh Hà Tĩnh đang thu mua lợn hơi với thấp nhất khu vực là 47.000 đồng/kg. Cao hơn một giá ở mức 48.000 đồng/kg gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi. Mức giá cao nhất khu vực 50.000 đồng/kg được ghi nhận tại một loạt các địa phương gồm Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Các địa phương còn lại trong khu vực, cùng ghi nhận giá lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg.

Ở khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng không ghi nhận thay đổi mới so với cuối tuần trước và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, tại Vũng Tàu đang ghi nhận mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg. Cao hơn một giá, lợn hơi tại các tỉnh gồm Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Trà Vinh đang neo tại mức 49.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại một loạt các địa phương gồm An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh thành còn lại, duy trì giá lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg.

Được biết, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 2/2023, chăn nuôi cả nước vẫn phát triển tốt, các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô. Ước tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2023, tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 3%. Trong tháng 2/2023, một số mặt hàng nông sản có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung dồi dào.

Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định. Nguồn cung thịt lợn đã hồi phục tốt khiến giá lợn giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực lớn đối với người sản xuất chăn nuôi lợn.

Về giá, giá thịt lợn hơi trong tháng 2 vẫn chưa khởi sắc, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực lớn đối với người sản xuất chăn nuôi lợn. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện nay, giá xuất chuồng các sản phẩm chăn nuôi đang rất thấp, một con lợn xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định có rất nhiều hộ sẽ không thể chăn nuôi trong thời gian tới vì càng làm càng lỗ. Nhiều nông hộ không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi. 

Trước tình hình trên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để kiến nghị giảm thuế khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

Theo Hiệp hội này, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho lợn và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thực tế, các nước có ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu để hỗ trợ ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi trong nước. Việc giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% không chỉ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, mà còn giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành thức ăn chăn nuôi của ta trong khu vực.

Ngành chăn nuôi đã và đang chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (AFS), dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong một thời gian dài khiến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao. Cùng lúc đó, kinh tế trong nước cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan dẫn tới nhu cầu của người dân giảm mạnh, giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường lao dốc, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục