Giá lợn hơi tháng 2 giảm mạnh, tương lai vẫn đối mặt với bất ổn
Chăn nuôi lợn toàn cầu vẫn đối mặt với hàng loạt bất ổn
Trong tháng 2/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ biến động mạnh, giá tăng lên mức cao nhất tháng ở mức 88,97 UScent/lb vào ngày 21/2/2023, sau đó giảm trở lại. Ngày 28/2/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần dao động ở mức 84,85 UScent/lb, giảm 1,5% so với cuối tháng 1/2023 và giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Đầu năm 2023, ngành chăn nuôi lợn toàn cầu vẫn đối mặt với hàng loạt bất ổn khi sự chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn gây áp lực lên nhu cầu, làm gia tăng sự không chắc chắn và biến động. Giá thịt lợn trên thế giới giảm nhẹ do nguồn cung lợn sẵn sàng cho giết mổ dồi dào, đặc biệt là ở Brazil và Hoa Kỳ, trong khi nhập khẩu thịt của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán thấp hơn dự kiến.
Tại Trung Quốc, giá thịt lợn cũng có xu hướng giảm vào cuối tháng 2/2023. Mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc vẫn giảm và quá trình trở lại trạng thái bình thường có thể mất tới 6 tháng. Trong khi đó, sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, do giá tăng trong mùa hè đã khuyến khích nông dân vỗ béo lợn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa.
Ngày 06/2/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đưa ra cảnh báo sớm về giá thịt lợn trong nước khi tỷ lệ giá giữa thịt lợn và lương thực trên toàn quốc là 4,96 : 1, cán mốc báo động cấp cao nhất về tình trạng giảm giá quá mức mà nước này đề ra. Mặc dù nhu cầu được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối quý I/2023 do chính sách mở cửa của Trung Quốc, nhưng giá lợn có thể sang đầu quý III/2023 mới có thể cải thiện khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Ngày 17/2/2023, NDRC thông báo nước này sẽ bổ sung dự trữ 20.000 tấn thịt lợn đông lạnh do chỉ số giám sát giá loại thực phẩm chủ lực này đã giảm xuống dưới mức cảnh báo. Theo NDRC chỉ số về giá thịt lợn trung bình so với giá ngũ cốc ở Trung Quốc hiện thấp hơn cả mức cảnh báo. Theo kế hoạch bình ổn thị trường thịt lợn, Trung Quốc áp dụng hệ thống cảnh báo sớm gồm 3 cấp độ về diễn biến của giá thịt lợn. NDRC sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai đợt bổ sung lượng thịt lợn dự trữ quốc gia đầu tiên trong năm nay và hướng dẫn các chính quyền địa phương thu mua thịt lợn. Chính phủ Trung Quốc rất lưu tâm đến những biến động về giá trên thị trường thịt lợn và sẽ tiếp tục tăng cường điều tiết năng lực sản xuất cùng giá cả để giữ ổn định thị trường.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2023, dự báo nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Trung Quốc được điều chỉnh tăng và cao hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt gà được dự báo thấp hơn. Việc điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu thịt đỏ của Trung Quốc một phần xuất phát từ ước tính cho năm 2022 cao hơn do các lô hàng trong quý IV/2022 mạnh hơn dự kiến.
Trong năm 2023, nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng, nhưng tốc độ vận chuyển sẽ chậm lại do các nhà nhập khẩu có sản phẩm được bảo quản lạnh cần đưa vào thị trường trước khi họ đầu tư mua thêm. Trong khi, nhập khẩu thịt gà của Trung Quốc được điều chỉnh thấp hơn mức trước đại dịch. Giá thịt lợn giảm dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với thịt gà. Tuy nhiên, thịt gà nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4% lượng tiêu thụ.
Theo báo cáo mới nhất về thị trường thịt lợn của Rabobank, thương mại thịt lợn toàn cầu dự báo tăng nhẹ trong năm 2023 và việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại vừa mở ra nhiều cơ hội, vừa mang tới nhiều biến động. Trong đó, thịt lợn vẫn đối mặt với một số áp lực tiêu thụ do thu nhập hộ gia đình giảm, tiết kiệm tăng và khả năng suy yếu tiêu thụ trong một số kênh bán hàng. Thương mại dự báo tăng nhẹ trong quý I/2023, nhưng có thể gặp khó khăn trong duy trì tăng trưởng trong suốt năm, xét tới sản xuất chậm tại một số khu vực xuất khẩu lớn như EU và Hoa Kỳ.
Theo Rabobank, Brazil có tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn tích cực trong năm 2022 và dự báo sẽ tăng cả sản xuất và xuất khẩu thịt lợn trong năm 2023. Đồng thời, Rabobank dự báo sản xuất nội địa tăng trưởng và phục hồi mạnh hơn tại các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nghĩa là nhu cầu nhập khẩu của khu vực này sẽ yếu đi, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023. Việc mở cửa trở lại thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới - Trung Quốc sẽ tác động lên cân đối cung cầu thịt thế giới.
Giá lợn hơi trong nước liên tiếp giảm xuống vùng giá thấp, người nuôi thua lỗ
Trong tháng 2/2023, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn khá trầm lắng, giá dao động trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 48.000- 50.000 đồng/kg, giảm từ 1.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Tại khu vực miền TrungTây Nguyên và miền Nam hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023.
Cập nhật đến hôm nay, giá lợn hơi vẫn giảm 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Lợn hơi tại các tỉnh, thành còn lại vẫn được giao dịch với giá 49.000 đồng/kg.
Sau một ngày lặng sóng, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ ở một số nơi và dao động trong khoảng 47.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Đắk Lắk về ngưỡng 49.000 đồng/kg, ngang bằng với Thanh Hóa. Tương tự, cũng hạ nhẹ một giá, tại tỉnh Quảng Ngãi thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến động mới về giá so với ngày hôm qua.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay không có nhiều thay đổi và dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Vũng Tàu xuống còn 50.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận ở hàng loạt các địa phương gồm Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, thương lái tại hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu vẫn duy trì thu mua lợn hơi ở ngưỡng cao nhất là 52.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại tiếp tục ghi nhận mức giá lợn hơi 51.000 đồng/kg.
Theo dự báo, chăn nuôi lợn trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III/2023. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên. Trong khi đó, Việt Nam đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Ngoài ra, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng do giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm dần so với hiện tại.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022; Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Về xuất khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu được 1,76 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 7,59 triệu USD, giảm 23,3% về lượng và giảm 33,2% về trị giá so với tháng 12/2022; Tuy nhiên so với tháng 1/2022 tăng 26,5% về lượng và tăng 9,6% về trị giá.
Tháng 1/2023, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 15 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 41,39% về lượng và chiếm 60,17% về trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước với 728 tấn, trị giá 4,57 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với tháng 12/2022; Tuy nhiên so với tháng 1/2022 tăng 4% về lượng, nhưng giảm 3,5% về trị giá. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Tháng 1/2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu, bò tươi đông lạnh... Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 975 tấn, trị giá 5,19 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 1,1% về lượng và giảm 6,6% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 5.327 USD/ tấn, giảm 9,2% so với tháng 12/2022 và giảm 5,5% so với tháng 1/2022. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Lào và Thái Lan.
Về nhập khẩu: Tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 35,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 74,13 triệu USD, giảm 45,7% về lượng và giảm 45,4% về trị giá so với tháng 12/2022; So với tháng 1/2022 giảm 34% về lượng và giảm 35% về trị giá. Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 29 thị trường trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Tháng 1/2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Hoa Kỳ đạt 7,95 nghìn tấn, trị giá 16,86 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 12/2022; Tuy nhiên so với tháng 1/2022 tăng 52,1% về lượng và tăng 103,6% về trị giá, chiếm 22,45% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023.
Về giá nhập khẩu: Tháng 1/2023, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 1,6% so với tháng 1/2022.
Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so tháng 1/2022.
Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về trị giá; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.354 USD/tấn, giảm 3,5% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 6,9% so với tháng 1/2022. Tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 15 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 34,82%; Brazil chiếm 23,49% và Đức chiếm 21,52% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023 và lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.