Đại gia công nghệ Singapore từ bỏ cuộc chiến ví điện tử ở Đông Nam Á vì tốn kém quá
Razer - được biết đến như nhà sản xuất thiết bị chơi game hàng đầu hành tinh - mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa ví điện tử hơn 1 triệu người dùng Razer Pay kể từ cuối tháng 9. Động thái này có thể sẽ khiến các công ty công nghệ khác phải suy nghĩ lại về chiến lược ví điện tử, nhất là ở một thị trường đang phát triển và cạnh tranh lớn như Đông Nam Á.
"Ứng dụng sẽ không còn khả dụng kể từ ngày 1/10/2021” - Razer cho biết trong một thông báo trên trang web chính thức. Thông báo cũng hướng dẫn các chủ tài khoản ví Razer Pay rút tiền khỏi ví này. Các giao dịch rút tiền sẽ được chấp nhận từ nay đến cuối tháng. Người dùng mới sẽ không thể đăng ký tài khoản ngay từ thời điểm thông báo.
Việc đóng cửa ví điện tử Razer Pay diễn ra trong bối cảnh chi phí để nâng cao thị phần quá lớn gây áp lực lên các nhà khai thác. Theo đó, Razer sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử để tập trung vào mảng thanh toán kỹ thuật số giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). "Chúng tôi quan điểm rằng nếu bạn có vốn - không giới hạn - và nếu bạn muốn đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định, thì việc kinh doanh B2B có cơ hội là quyết định” - trích lời ông Lee Li Meng, giám đốc chiến lược của Razer.
Razer Pay được ra mắt lần đầu tiên tại Malaysia vào tháng 7/2018 và sau đó mở rộng sang thị trường Singapore vào tháng 3/2019. Từ đó đến nay, ví điện tử này thu hút khoảng 1,1 triệu người dùng.
Ban đầu, ví Razer Pay được dùng chủ yếu như dịch vụ thanh toán cho phép các game thủ mua các vật phẩm chơi game trực tuyến. Sau đó, Razer mở rộng hoạt động bằng cách cài đặt ví điện tử này ở các cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động… để cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Được quảng cáo là "ví điện tử dành cho giới trẻ và thế hệ thiên niên kỷ mới", Razer Pay nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng trẻ tuổi, bao gồm cả những người không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.
Nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực ví điện tử, đặc biệt tại thị trường Đông Nam Á đã trở nên ngày một gay gắt. Tương tự như Razer, nhiều công ty công nghệ khác đã nhảy vào mảng fintech này như một phần kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, các ứng dụng như Grab của Singapore và Gojek của Indonesia đã trở thành những nhà khai thác ví điện tử lớn nhất Đông Nam Á bằng cách tận dụng lượng người dùng ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn khổng lồ trên nền tảng ban đầu. GrabPay và GoPay đang tích cực mở rộng thị phần mảng ví điện tử như một mảng kinh doanh cốt lõi trong chiến lược “siêu ứng dụng” mà cả Grab và Gojek hướng đến.
Đáng chú ý, gã khổng lồ thương mại điện tử Sea của Singapore đã tận dụng bối cảnh đại dịch Covid-19 để tăng đáng kể sự hiện diện của nền tảng ví điện tử. Sea đã chi tới 166 triệu USD cho công tác quảng bá, tiếp thị hoạt động kinh doanh tài chính kỹ thuật số trong quý II năm nay, mặc dù điều này dẫn đến khoản lỗ hoạt động hàng quý lên tới 159 triệu USD.
Ngoài ra, các ví điện tử địa phương như Momo của Việt Nam cũng ngày càng có sự hiện diện mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia ở Singapore nhận định: "Đối với một nền tảng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực game như Razer, việc thuyết phục của những người dùng thiết bị game Razer hiện tại và những người dùng mới sử dụng ví Razer Pay sẽ là vô cùng khó khăn và tốn kém… Razer dường như đã nhận ra rằng việc tiếp tục phát triển kinh doanh mảng ví điện tử sẽ là cuộc chiến đắt đỏ và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ là mảng thiết bị game”.
Thật vậy, Razer dường như tập trung hơn cho hoạt động kinh doanh thiết bị game trong suốt thời gian đại dịch. Tuần này, Razer báo cáo lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2021 lên tới 33,9 triệu USD, tăng mạnh so với khoản lỗ ròng 17,3 triệu USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.