Đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh – An Hữu trong năm 2022

26/06/2022 07:12 GMT+7
Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.886 tỷ đồng.

Phê duyệt dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án).

Theo đó, tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43 km; điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trong phê duyệt, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có quy mô đầu tư phần tuyến chính: Bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh – An Hữu trong năm 2022 - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: SGP

Về mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe và mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h.

Dự án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.886 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo...

Trước đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Bộ GTVT cho biết là suất vốn đầu tư của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 158 tỷ đồng/km, so sánh với các dự án lân cận thì suất vốn đầu tư của dự án tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thấp hơn suất đầu tư của dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng 172,8 tỷ đồng/km).

Ngoài ra, dự án cao hơn dự án tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (khoảng 138,5 tỷ đồng/km) do tỷ lệ chiều dài cầu/km lớn hơn (dự án Cao Lãnh - An Hữu khoảng 150 md/km, Mỹ An - Cao Lãnh khoảng 119 md/km), số lượng nút giao nhiều hơn (dự án Cao Lãnh - An Hữu có 4 nút giao: 3 nút giao liên thông, 1 nút giao trực thông; Mỹ An - Cao Lãnh có 2 nút giao liên thông).

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ triển khai đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước.

"Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT dự kiến nhu cầu bố trí vốn trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 3.486,8 tỷ đồng (khoảng 59,2% sơ bộ tổng mức đầu tư), chuyển tiếp, hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.399,2 tỷ đồng (khoảng 40,8% sơ bộ tổng mức đầu tư).

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến bố trí vốn thực hiện Dự án từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho Dự án và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.



Thế Anh
Cùng chuyên mục