Dịch virus corona xóa sổ 3,18 nghìn tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ trong 1 tuần

29/02/2020 10:33 GMT+7
Dịch virus corona đã xóa sạch 3,18 nghìn tỷ USD giá trị thị trường các doanh nghiệp Mỹ trong tuần tồi tệ vừa qua, theo ước tính từ S & P Dow Jones Indices.
Dịch virus corona xóa sổ 3,18 nghìn tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ trong 1 tuần - Ảnh 1.

Virus corona xóa sổ 3,18 nghìn tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán Mỹ trong 1 tuần

Vốn hóa thị trường các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Mỹ mất 203 tỷ USD chỉ trong phiên giao dịch hôm 28/2, thêm vào khoản lỗ 2,997 nghìn tỷ USD trong các phiên giao dịch từ đầu tuần đến 27/2, theo nhà phân tích chỉ số chứng khoán cấp cao Howard Silverblatt từ Senior Index Analyst. Riêng S&P 500 đã mất 3,58 nghìn tỷ USD giá trị thị trường so với mức kỷ lục thời đại đạt được hôm 19/2.

Các cổ phiếu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 28/2 sau khi nhà đầu tư bán tháo để đổ tiền vào những tài sản an toàn như trái phiếu hay vàng trong bối cảnh dịch virus corona tiếp tục lan rộng, nguy cơ bùng phát trên toàn cầu.

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều bước vào vùng điều chỉnh với mức giảm hơn 10% so với đỉnh kỷ lục đạt được gần đây. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất gần 3.500 điểm trong một tuần. Đây được xem là tuần tồi tệ nhất của phố Wall kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay khi Dow Jones chứng kiến mức giảm tuần 12% còn S&P 500 mất 11% trong tuần. 

Dịch virus corona xóa sổ 3,18 nghìn tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ trong 1 tuần - Ảnh 2.

Dow Jones mất 3.500 điểm sau 1 tuần (Nguồn: CNBC)

Dễ thấy, nỗi hoảng loạn xoay quanh dịch virus corona đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo. Hàng loạt đại công ty như Microsoft, Apple, Nike, United Airlines và Mastercard đều cảnh báo dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến doanh thu doanh nghiệp trong quý I và quý II. Hôm 26/2, Microsoft cảnh báo ước tính của bộ phận laptop (chiếm khoảng 36% tổng doanh thu doanh nghiệp) không đáp ứng doanh thu mục tiêu quý I do tác động của dịch virus corona làm trì trệ chuỗi cung ứng. PayPal hôm 27/2 cảnh báo doanh thu giảm do thiệt hại từ dịch virus corona, còn Mastercard thì đã đưa ra cảnh báo giảm doanh thu từ đầu tuần.

Thị trường đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ sau phát ngôn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell rằng Ngân hàng Trung Ương sẽ theo dõi sát sao và có hành động hợp lý để phản ứng lại những rủi ro mà dịch virus corona gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Tờ Washington Post cũng đưa tin chính quyền Trump đang cân nhắc cắt giảm thuế doanh nghiệp để chống lại những tác động tiêu cực của dịch virus corona. Nhưng mức phục hồi không đủ để cứu vãn sự giảm sâu của thị trường. 

Một phần mối quan ngại thị trường bắt nguồn từ sự gia tăng số ca nhiễm mới virus corona trên toàn cầu, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Italy. Thêm vào đó, sự xuất hiện ca nhiễm virus corona không rõ nguồn gốc tại California cũng làm dấy lên nỗi sợ hãi dịch virus corona lan rộng tại Mỹ. 

Tính đến sáng 29/2, Hàn Quốc ghi nhận thêm gần 600 ca nhiễm mới virus corona, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 2.931 ca với 16 trường hợp tử vong. Italy, tâm chấn dịch virus corona tại Châu Âu cũng xác nhận số ca nhiễm virus corona tăng lên 888 ca với 21 trường hợp tử vong. Iran hiện vẫn là quốc gia có số trường hợp tử vong vì virus corona cao nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc: 388 ca nhiễm và 34 ca tử vong. Tính đến nay, có ít nhất 59 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo các trường hợp nhiễm virus corona.

Trong bối cảnh hoảng loạn như vậy, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào tài sản an toàn như trái phiếu và vàng, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu phá vỡ mức thấp kỷ lục 1,15% vào thứ Sáu. Hồi đầu tuần, lợi suất dao động quanh mức 1,4%. Trong khi đó, Chỉ số biến động Cboe (VIX) - thước đo nỗi sợ hãi của phố Wall -  đã tăng lên 49,15, mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 2/2018.

Cổ phiếu giảm mạnh: cơ hội cho các nhà đầu tư?

Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ theo dõi sát sao những diễn biến của dịch virus corona để tìm kiếm mức đáy thị trường sau 1 tuần tụt dốc mạnh của phố Wall. 

Kể từ thế chiến II đến nay, S&P 500 đã 26 lần rơi vào vùng điều chỉnh (không tính trong tuần này). Tại 26 lần đó, chỉ số này giảm trung bình 13,7% và mất tới khoảng 4 tháng để phục hồi. 

Larry Benedict, Giám đốc điều hành của The Opportunistic Trader nhận định giá cổ phiếu giảm sâu hiện tại là cơ hội mua vào của các nhà đầu tư.  Ông Benedict chỉ ra rằng các cổ phiếu như Exxon Mobil đang giao dịch với mức giá rẻ đáng kể. giảm gần 40% so với mức cao kỷ lục trong 52 tuần gần nhất.  Cổ phiếu Exxon đã giảm gần 40% từ mức cao nhất trong 52 tuần của họ.

Tuy nhiên, Jeff Chang, giám đốc điều hành tại Cboe Vest cảnh báo rằng các nhà đầu tư nên thận trọng vì trong lịch sử, người ta từng chứng kiến những mức độ biến động cao hơn nhiều hiện tại, tức là nguy cơ thị trường tiếp tục biến động mạnh theo những diễn biến mới của dịch virus corona.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục