Didi Global phủ nhận thông tin sắp về tay chính phủ Trung Quốc
Trong một tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội Weibo, Didi Global khẳng định: “Didi đang tích cực hợp tác với các cơ quan điều tra an ninh mạng. Theo đó, thông tin mà các phương tiện truyền thông quốc tế đưa ra về việc chính quyền thành phố Bắc Kinh đang phối hợp các công ty đầu tư vào Didi là không chính xác”.
Trước đó một ngày, tờ Bloomberg dẫn các nguồn tin phi chính thức cho hay Tập đoàn Du lịch Bắc Kinh thuộc sở hữu nhà nước và một số công ty quốc doanh khác có trụ sở tại Bắc Kinh dự kiến sẽ rót vốn vào Didi Global theo một đề xuất đầu tư giai đoạn 1 đang chờ chính phủ phê duyệt. Nhóm các tập đoàn này có thể sẽ nắm giữ cổ phiếu đặc biệt (hay còn gọi là golden share - cổ phiếu vàng), tức loại cổ phiếu thường nhưng chủ sở hữu có quyền biểu quyết mạnh hơn các cổ đông khác trong một số tình huống cụ thể.
Sau tin tức này, cổ phiếu Didi Global hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York đã tăng vọt 6% trong phiên giao dịch 3/9. Từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu Didi đã tăng vọt 14%. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ bù đắp đà sụt giảm của nó từ khi bắt đầu niêm yết trên NYSE hồi cuối tháng 6 đến nay, do Didi liên tục chịu áp lực từ các nhà quản lý Trung Quốc.
Didi hiện là hãng gọi xe có thị phần lớn nhất Trung Quốc với quyền điều hành trong tay nhà đồng sáng lập Will Cheng và Chủ tịch Jean Liu. Hãng này được hậu thuẫn bởi nhiều chủ đầu tư danh tiếng bao gồm SoftBank Group Corp, Uber Technologies Inc và Alibaba.
Trong những tháng gần đây, Didi Global đã lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh sau thương vụ phát hành công khai lần đầu (IPO) tại Mỹ. Hôm 4/7, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của Didi Global sau khi phát hiện gã khổng lồ này thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng. CAC cũng buộc Didi xem xét lại hoạt động nhằm tuân thủ quy tắc bảo vệ dữ liệu tại Trung Quốc, chỉ ít ngày sau khi công ty này bắt đầu giao dịch trên sàn New York sau thương vụ IPO trị giá 4,4 tỷ USD.
Sau đó ít lâu, Bloomberg đưa tin các cơ quan quản lý Trung Quốc đang xem xét những mức phạt có khả năng là chưa từng có tiền lệ với Didi Global sau thương vụ IPO tại Mỹ gây tranh cãi. Theo Bloomberg, các nhà quản lý Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global quyết định IPO tại Mỹ bất chấp sự phản đối của CAC là một sự thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Các quan chức từ CAC, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tài nguyên, Cục Thuế, cơ quan quản lý chống độc quyền cùng nhiều bên liên quan hiện đã bắt đầu cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi.
Cũng theo nguồn tin này, giới chức Bắc Kinh đang cân nhắc hàng loạt hình phạt tiềm năng với Didi Global, bao gồm phạt hành chính, đình chỉ một số hoạt động hoặc xem xét đưa Didi về tay một nhà đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước. Không loại trừ trường hợp Didi buộc phải hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ, dù không rõ điều này sẽ diễn ra như thế nào.
Mới đây nhất, trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải cùng với một số cơ quan quản lý khác bao gồm Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và Cục Giám sát Thị trường Nhà nước đã triệu tập 11 công ty kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe - bao gồm Didi Global - nhằm chấn chỉnh một số hành vi không tuân thủ quy định Nhà nước. Cụ thể, các cơ quan chức năng cáo buộc những dịch vụ này đang tuyển dụng tài xế và phương tiện vận tải mà chưa được cấp phép.
“Yêu cầu các nền tảng gọi xe tự xem xét các vấn đề nội tại, chấn chỉnh hành vi bất hợp pháp, bảo vệ trật tự thị trường cạnh tranh bình đẳng và tạo môi trường lành mạnh để phát triển ngành dịch vụ gọi xe” - trích thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.
Didi sau đó lên tiếng cam kết sẽ tìm cách khắc phục những vấn đề trên, đồng thời ngừng đăng ký dịch vụ với những tài xế không đủ tiêu chuẩn.