Cổ phiếu Didi Global tăng vọt sau thông tin hãng này sắp về tay chính phủ Trung Quốc

04/09/2021 05:59 GMT+7
Cổ phiếu gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Global đang tiến tới mức tăng 2 con số trong tuần này khi nguồn tin từ Bloomberg cho hay Bắc Kinh đang nhắm đến mua lại cổ phần Didi thông qua các công ty quốc doanh, qua đó đưa Didi về dưới sự quản lý của chính phủ.

Theo Bloomberg News, Tập đoàn Du lịch Bắc Kinh thuộc sở hữu nhà nước và một số công ty quốc doanh khác có trụ sở tại Bắc Kinh dự kiến sẽ rót vốn vào Didi Global theo một đề xuất đầu tư giai đoạn 1 đang chờ chính phủ phê duyệt. Nhóm các tập đoàn này có thể sẽ nắm giữ cổ phiếu đặc biệt (hay còn gọi là golden share - cổ phiếu vàng), tức loại cổ phiếu thường nhưng chủ sở hữu có quyền biểu quyết mạnh hơn các cổ đông khác trong một số tình huống cụ thể.

Sau tin tức này, cổ phiếu Didi Global hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York đã tăng vọt 6% trong phiên giao dịch 3/9. Từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu Didi đã tăng vọt 14%. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ bù đắp đà sụt giảm của nó từ khi bắt đầu niêm yết trên NYSE hồi cuối tháng 6 đến nay, do Didi liên tục chịu áp lực từ các nhà quản lý Trung Quốc.

Cổ phiếu Didi Global tăng vọt sau thông tin hãng này sắp về tay chính phủ Trung Quốc - Ảnh 1.

Cổ phiếu Didi tăng vọt sau thông tin hãng này sắp về tay chính phủ Bắc Kinh (Ảnh: Didi)

Trước đó, hôm 4/7, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của Didi Global sau khi phát hiện gã khổng lồ này thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng. CAC cũng buộc Didi xem xét lại hoạt động nhằm tuân thủ quy tắc bảo vệ dữ liệu tại Trung Quốc, chỉ ít ngày sau khi công ty này bắt đầu giao dịch trên sàn New York sau khi huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO vừa qua.

Sau đó ít lâu, Bloomberg đưa tin các cơ quan quản lý Trung Quốc đang xem xét những mức phạt có khả năng là chưa từng có tiền lệ với Didi Global sau thương vụ IPO tại Mỹ gây tranh cãi. Theo Bloomberg, các nhà quản lý Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global quyết định IPO tại Mỹ bất chấp sự phản đối của CAC là một sự thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Các quan chức từ CAC, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tài nguyên, Cục Thuế, cơ quan quản lý chống độc quyền cùng nhiều bên liên quan hiện đã bắt đầu cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi.

Cũng theo nguồn tin này, giới chức Bắc Kinh đang cân nhắc hàng loạt hình phạt tiềm năng với Didi Global, bao gồm phạt hành chính, đình chỉ một số hoạt động hoặc xem xét đưa Didi về tay một nhà đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước. Không loại trừ trường hợp Didi buộc phải hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ, dù không rõ điều này sẽ diễn ra như thế nào.

Các cuộc thảo luận về án phạt với Didi được cho là đang trong giai đoạn sơ bộ và chưa có kết quả chắc chắn. Nhưng nhiều dự đoán cho rằng Didi có khả năng phải chịu mức phạt nặng hơn rất nhiều so với khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD mà Alibaba, gã khổng lồ công nghệ được sáng lập bởi tỷ phú Jack Ma phải gánh chịu sau cuộc điều tra chống độc quyền hồi đầu năm nay.

Hàng loạt tin tức bất lợi đã khiến cổ phiếu Didi niêm yết tại Mỹ liên tục lao dốc.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin Didi đang xem xét kế hoạch hủy niêm yết tại Mỹ và bồi thường cho nhà đầu tư về những tổn thất sau thương vụ IPO đầy bất trắc này. Tuy nhiên, phía Didi Global sau đó lên tiếng phủ nhận các cáo buộc.

Sau vụ việc Didi Global, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất các quy tắc yêu cầu gần như mọi công ty trong nước muốn niêm yết ở nước ngoài phải trải qua các cuộc đánh giá an ninh mạng của CAC. “Bắc Kinh muốn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp internet hiểu rằng an ninh mạng và bảo mật dữ liệu hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ, và rằng lợi nhuận của cá nhân doanh nghiệp có thể bị hy sinh để đảm bảo sự an toàn của an ninh mạng và bảo mật dữ liệu” - nhận định của ông Feng Chucheng, nhà phân tích tại công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh.


NTTD
Cùng chuyên mục