Điểm danh loạt doanh nghiệp bị phạt do "dính" vi phạm về thuế
Kê khai sai dẫn tới nguy cơ "thâm hụt" thuế
Theo đó, ngày 29/7/2024, Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (MCK:TIG). Nguyên nhân do doanh nghiệp có hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế đất phải nộp.
Việc này vi phạm Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Theo Quyết định của Cục thuế Hà Nội, TIG bị phạt số tiền 550 triệu đồng. Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm nộp đủ 2,8 tỷ đồng số tiền thuế thiếu, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; 847 triệu đồng tiền chậm nộp.
Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày 29/6/2024. Cục Thuế Hà Nội yêu cầu TIG tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 30/6/2024 đến ngày nộp đủ số tiền thuế chậm nộp và Ngân sách Nhà Nước.
Tổng số thuế truy thu, tiền phạt và chậm nộp đối với doanh nghiệp này là 4,1 tỷ đồng.
Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (MCK: VGV) vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt của Cục thuế thành phố Hà Nội.
Tại văn bản này, Tổng Giám đốc VGV Trần Đức Toàn cho biết, ngay sau khi nhận được quyết định, Tổng công ty đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của cơ quan quản lý thuế.
Trước đó, Cục thuế Hà Nội ban hành Quyết định số 4344/QĐ-CTHN-TTKT10-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với VGV do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Theo Quyết định, VGV phải nộp 179 triệu đồng tiền phạt và truy thu là 896 triệu đồng tiền thuế. Tổng số thuế truy thu, tiền chậm nộp và phạt là 1,1 tỷ đồng.
Một ông lớn ngành địa ốc khác cũng vừa bị truy thu do dính tới vi phạm về thuế là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (MCK: SIP). Đặc biệt, tại Quyết định số 948/QĐ-TCT, VRG bị Tổng cục Thuế áp dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.
Kết quả, SIP bị phạt tiền 159 triệu đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu vào ngân sách với số tiền 586 triệu đồng. Tổng số tiền SIP bị xử lý về thuế là 916 triệu đồng.
Nhập nhằng hóa đơn đầu vào
Tại Kết luận thanh tra thuế ngày 25/7/2024, Cục thuế thành phố Hà Nội chỉ ra nhiều tồn tại về thuế tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu than - Vinacomin. Theo đó, Cục thuế yêu cầu công ty nộp ngay số tiền truy thu thuế, tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp thuế với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.
Về thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp kê khai khấu trừ đầu vào đối với nhiều hóa đơn mua từ nhà cung cấp cùng 1 ngày hơn 20 triệu đồng, mà không thanh toán qua ngân hàng.
Đồng thời, Cục thuế thành phố Hà Nội đã phát hiện Vinacomin kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.
Cụ thể, Vinacomin sử dụng 27 hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh với tổng giá trị trước thuế là 8,6 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 841 triệu đồng. Trong đó, 2 hóa đơn mua hàng từ năm 2020, 20 hóa đơn mua hàng năm 2022 và 5 hóa đơn mua hàng năm 2023.
Vinacomin đã có công văn giải trình, cam kết việc sử dụng hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh. Tuy nhiên để giảm rủi ro về thuế, Vinacomin đề nghị loại trừ chi phí đầu vào đối với 6 hóa đơn, với doanh số mua hàng là 33 triệu đồng, giá trị gia tăng là 3,28 triệu, đồng thời cam kết ghi nhận khấu trừ đối với 21 hóa đơn còn lại.
Tại thời điểm thanh tra, Cục thuế thành phố Hà Nội chưa đủ cơ sở xác định các số hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh là hóa đơn không hợp pháp. Do đó, Cục thuế tạm thời ghi nhận việc kê khai khấu trừ, hạch toán chi phí theo cam kết của Vinacomin và sẽ có văn bản phối hợp xác minh đối với các hóa đơn này.