Điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển?

02/12/2019 12:07 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung- dài hạn xuống 30% theo lộ trình.

Đó là một nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020 (Thông tư 22) được Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây.

Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ này là 40% và giảm dần về 37% từ 1/10/2020 - 30/9/2020. Trong 2 năm tiếp theo là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Như vậy, so với Thông tư 36, Thông tư 22 tiếp tục quy định giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, quy định này nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và từ mức 40% xuống 30%, không phải là giãn lộ trình so với Thông tư 36 (Thông tư 36 quy định kể từ ngày 01/01/2019, ngân hàng, chi nhánh NHNNg được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, không có lộ trình xuống 30%).

Đồng tình với quy định này tại Thông tư 22, TS. Bùi Quang Tín nhận định quy định giảm tỷ lệ theo lộ trình vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát về chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Đồng thời giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động (tăng cường các giải pháp nhằm tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn và bền vững), điều chỉnh danh mục tín dụng theo cơ cấu hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực an toàn, hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Số liệu giám sát của NHNN trong thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo lộ trình như quy định không ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Còn theo số liệu về tỷ lệ tối đa nguồn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn thời điểm 30/9/2019, bình quân của khối NHTM Nhà nước là 29,79%, khối ngân hàng thương mại cổ phần 30,89%, khối ngân hàng liên doanh là 28,97%, khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 7,53%.

Những số liệu này cho thấy, mục tiêu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là áp lực quá lớn. Trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.

Điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển? - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng tán thành quy định về giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% theo lộ trình mà NHNN đưa ra.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Trong khi huy động vốn là kỳ hạn ngắn, cho vay lại chủ yếu là kỳ hạn dài, trong đó vay bất động sản và cho vay trung dài hạn quá lớn sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản cho ngân hàng.

Do vậy, việc NHNN có điều chỉnh về tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng góp phần giúp ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, cân đối nguồn vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.

Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế hơn sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ khu vực tư nhân như thông qua kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn. Điều này một mặt sẽ khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển, mặt khác giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng.

Ông Hiếu cho biết thêm, trên giác độ thông lệ quốc tế, quy định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn) được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2007-2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel III, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013-2019).

Lê Thúy
Cùng chuyên mục