Điều gì khiến Gelex của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn từ bỏ cuộc chơi nghìn tỷ logistics?
Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – Mã CK: GEX) vừa quyết nghị thông qua việc thoái vốn đầu tư trong mảng vận hành logistics, qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics (Gelex Logistics).
Thời gian thực hiện là trong quý 2, 3 năm 2020.
Được biết, Gelex Logistics là một trong 4 doanh nghiệp 100% thuộc sở hữu của Gelex, bên cạnh Gelex Engery, Gelex Electric và Gelex Land. Doanh nghiệp này sở hữu 54,78% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans – Mã CK: STG).
Về phần mình, Sotrans đang là công ty mẹ, nắm quyền chi phối 9 doanh nghiệp khác đáng chú ý như CTCP Cảng Miền Nam (51%), CTCP Vận tải đường sông Miền Nam Sowaco (84,4%)… Đặc biệt còn nắm giữ CTCP Vận tải Đa Phương Thức Vietranstimex (84%), hiện đang là đơn vị số 1 Đông Nam Á về vận tải hàng siêu trường siêu trọng.
Năm 2017, Gelex từng nuôi tham vọng lớn trong lĩnh vực logistics khi rót vốn đầu tư vào Sotrans thông qua Gelex Logistics. Theo đó, Gelex sẽ phát triển Sotrans thành doanh nghiệp với chuỗi logistics khép kín, đủ các dịch vụ như giao nhận hàng hóa, vận tải, lưu kho, lưu bãi, cảng biển, cảng hàng không…, đặt mục tiêu lọt vào top 3 doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam.
Doanh thu hợp nhất của Sotrans năm 2019 đạt gần 1.835,5 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại giảm tới 22% so với năm 2018 (đạt mức 122,9 tỷ đồng) do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.
Bước sang Quý 1/2020, kết quả kinh doanh của Sotrans vẫn khá ảm đạm khi doanh nghiệp này báo lãi 93,47 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước.
Với hơn 98 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, Sotrans được định giá khoảng 1.640 tỷ đồng; trong đó lượng cổ phần của Gelex trị giá gần 900 tỷ đồng.
Quyết định rút khỏi mảng logistics sẽ giúp Gelex dồn sức cho các lĩnh vực kinh doanh khác trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dù vậy, quyết định chia tay mảng logistics của đại gia Tuấn “mượt” (Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn) là rất đáng chú ý. Bởi gu đầu tư của vị doanh nhân 8x này thường rất ưu tiên đến các DN có dòng tiền tốt như Sotrans (?!).
Vậy thì ắt Gelex phải nhận về được một cái giá rất đáng cho thương vụ....
Bán cho ai?
Khả năng Gelex đã tìm được đối tác để chuyển nhượng số cổ phần tại Gelex Logistics, hoặc chí ít là tại Sotrans.
Thượng tuần tháng 5, CTCP Giao Nhận và Vận Chuyển In Do Trần (ITL Corp) đã đăng ký mua thêm 51,19 triệu cổ phiếu STG, để nâng sở hữu tại Sotrans lên 100%.
Phương pháp mua cổ phần dự kiến được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, hoặc khớp lệnh, hoặc mua công ty có sở hữu cổ phiếu STG, hoặc chuyển quyền sở hữu qua VSD từ Gelex Logistics.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ITL Corp được thành lập tháng 11/2007, do ông Trần Tuấn Anh (SN 1972) đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.
Doanh nghiệp này ban đầu do các cổ đông tư nhân trong nước sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên, vào ngày 8/10/2018, ITL Corp tăng mạnh vốn từ 35 tỷ đồng lên mức 385 tỷ đồng, cùng với đó là sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài với tỷ lệ sở hữu là 42,22%.
Các cổ đông nước ngoài bao gồm: Singapore Post Enterprise Private Limited (trụ sở tại Singapore, sở hữu 30% VĐL), Veera Satchatipp Avarn (quốc tịch Thái Lan, sở hữu 5,5% VĐL), Zulkifli Bin Baharudin (quốc tịch Singapore, sở hữu 6,67% VĐL).
Trong giai đoạn từ năm 2019 tới nay, ITL Corp nhiều lần tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài cũng tăng lên mức 47,42%. Cơ cấu của nhóm cổ đông này cũng có nhiều biến động.
Cập nhật đến ngày 31/3/2020, quy mô vốn của ITL Corp đạt 794,05 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông nước ngoài bao gồm: Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV LDC (trụ sở tại “thiên đường thuế” Cayman Islands, sở hữu 12,07% vốn điều lệ); Symphony Logistics Pte Ltd (trụ sở tại Singapore, sở hữu 25,12% vốn điều lệ), Veera Satchatipp Avarn và Zulkifli Bin Baharudin lần lượt sở hữu 4,65% và 5,58% vốn điều lệ./.