DN "khóc ròng" vì lãi vay trên 10%, lo kéo dài "không còn CEO" và phản ứng của ngân hàng

12/08/2023 08:17 GMT+7
Theo phản ánh của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, lãi vay doanh nghiệp phải "gánh" vẫn trên 10%/năm, thậm chí lên tới 14 - 15%/năm.

Số liệu thống kê mới nhất từ VnDirect cho thấy, thị trường tiếp tục xu hướng giảm đòn bẩy tài chính trong quý II/2023 với tỷ lệ D/E (là tỷ lệ giữa vốn của doanh nghiệp huy động từ các hoạt động cho vay so với khoản vốn của chủ sở hữu) giảm xuống mức thấp trong nhiều năm là 60,3%, so với 61,3% trong quý quý I/23. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng mạnh, cho thấy tỷ lệ lãi suất vay vẫn duy trì ở mức cao và việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng gần đây vẫn chưa có tác động.

DN "khóc ròng" vì lãi vay trên 10%, lo kéo dài "không còn CEO" và phản ứng của ngân hàng - Ảnh 1.

Lãi vay vẫn cao, lo kéo dài không tồn tại khái niệm doanh nghiệp, không có CEO

Thực tế, câu chuyện lãi vay cao đã nhắc đến trong suốt nhiều tháng qua. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo ngành ngân hàng quyết liệt cắt giảm chi phí, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác để giảm lãi suất cho vay thực chất cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành, điều kiện giúp các ngân hàng thương mại hạ nhiệt lãi vay.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất lên tới 14% - 15% - như lời của TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Thậm chí ông cho biết, một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng phải "gồng" mình vay vốn với lãi suất 17%/năm. Mới đây, "chủ nợ" – là một ngân hàng có tiếng đã "hứa" giảm lãi vay xuống 15%/năm, và từ tháng 9 sẽ đưa lãi suất về 14% với dư nợ vay của doanh nghiệp này tại ngân hàng.

"Lãi suất cho vay còn cao lắm dù đã giảm. Lãi suất thực các doanh nghiệp đang gánh vẫn trên 10% - không có nước nào cao như thế", ông Nghĩa nhận định và cho biết, doanh nghiệp và người dân không biết làm gì trong bối cảnh hiện nay để "gánh" được mức lãi vay còn rất cao như vậy.

DN "khóc ròng" vì lãi vay trên 10%, lo kéo dài "không còn CEO" và phản ứng của ngân hàng - Ảnh 2.

Lãi vay vẫn cao, lo ngại kéo dài không tồn tại khái niệm doanh nghiệp, không có CEO.

Tại Đối thoại tháng 7 với chủ đề: "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" vừa qua, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này. Ông Thuân nói: Định hướng giảm lãi suất là hợp lý, tuy nhiên không phải trên tất cả thị trường đều giảm lãi suất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu hẹp mức độ đòn bẩy.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quan trọng là tư duy các chính sách hỗ trợ và nới lỏng tiền tệ thế nào. Bởi hiện vấn đề của các doanh nghiệp không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao mà là năng lực hấp thụ vốn thấp.

"Mọi người cứ bàn mãi lãi suất phải giảm thì cái này chắc là nhanh thôi. Chừng nào lãi suất cứ duy trì 10% bình quân thì về dài hạn không tồn tại khái niệm doanh nghiệp, không có CEO nữa", vị này nhấn mạnh và khẳng định, định hướng giảm lãi suất là hợp lý, tuy nhiên không phải trên tất cả thị trường đều giảm lãi suất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT IMG Lê Tự Minh cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%, bởi với mức lãi suất cao như hiện nay thì "không có nền kinh tế nào khỏe mạnh". Thực tế tại các nước phát triển, ông Minh cho biết mức lãi suất trung hạn chỉ từ 3% - 5%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi vay trong nước đang áp dụng.

Từ đó, ông kỳ vọng lãi suất trung hạn chỉ nên ở mức 8,5%/năm như 2 năm trước và biên độ 12 tháng dưới 3%. Điều này mới giảm bớt được khó khăn cho doanh nghiệp, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của Châu Á.

Ngân hàng hành động

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành một lần nữa cho thấy chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Nghị quyết nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.

Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng không thể ngồi yên. Biểu hiện, ngay trong 2 ngày gần đây nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp. Chỉ tính riêng trong tuần này, đã có gần 10 ngân hàng nhập cuộc giảm lãi suất tiết kiệm như: Eximbank, Techcombank, MSB, Saigonbank, CBBank, VietA Bank, SHB, NCB, DongABank,…

Cùng với đó, danh sách các nhà băng cũng không ngừng tung gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay.

Mới đây, MSB thông báo giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 7/8. Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường.

Với khối nhà nước, Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.

Với VietinBank, ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.

Tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng.

Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng đến cuối năm.

Bộ phận phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn từ nay tới cuối năm do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ: tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.



H.Anh
Cùng chuyên mục