Lãi vay vẫn cao "ngất ngưởng", 5 ngành chờ hưởng lợi sau quyết định nằm trong dự báo

25/05/2023 14:45 GMT+7
Thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái nhằm hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp vẫn cao "ngất ngưởng".

Lãi vay vẫn cao "ngất ngưởng", dự báo sẽ tiếp tục giảm

Theo cáo báo của Chính phủ gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm.

Còn theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022 (tháng 12/2022: 9,67%; tháng 12/2021: 8,08%).

Còn theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp tới PV Etime, lãi vay mặc dù đã giảm nhẹ trong thời gian gần đây, tuy nhiên có những khách hàng vẫn đang "gánh" mức lãi suất cho vay lên tới gần 16%/năm.

Lãi vay vẫn cao "ngất ngưởng", 5 ngành chờ hưởng lợi sau quyết định đã được dự báo - Ảnh 1.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái nhằm hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay. (Nguồn: SBV)

Thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chính sách rất kịp thời như: mua lượng lớn ngoại tệ đưa vào hệ thống dự trữ, nhờ vậy thanh khoản của nền kinh tế tốt hơn; ba lần hạ lãi suất điều hành kể từ đầu năm, để từ đó giảm lãi suất cho vay,… Tuy nhiên, lãi vay vẫn còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: "Không ai muốn một môi trường lãi suất cao. Không có chuyện NHNN muốn lãi suất cao, các ngân hàng muốn cao, và chỉ doanh nghiệp muốn lãi suất thấp".

Lãi suất vẫn ở mức cao như đề cập ở trên, theo vị chuyên gia này là đến từ một số nguyên nhân như rủi ro lạm phát; tâm lý chung là người dân gửi tiền phải có lãi suất thực dương; mức độ rủi ro của nền kinh tế, của bản thân doanh nghiệp và một số ngành kinh tế còn cao khiến áp lực nợ xấu gia tăng. Chưa kể, vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém nên đẩy mặt bằng lãi suất tiết kiệm lên cao khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một cách thiếu lành mạnh.

Chính vì vậy, động thái hạ lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % (có hiệu lực từ hôm nay 25/5/2023) của nhà điều hành tiền tệ, theo đánh giá của giới chuyên gia mặc dù nằm trong các dự báo trước đó, song đây sẽ là "bước ngoặt" có tác động dài hạn đến nền kinh tế và vào chi phí giá vốn nền kinh tế.

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 3/2023 dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện nay đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng. Giả sử lãi suất cho vay bình quân trên 10%/năm (theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân "gánh" lên tới 1,22 triệu tỷ đồng. Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, con số lãi vay này tương đương khoảng 12%GDP của Việt Nam.

"Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm %, hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 122.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại", vị này tính toán.

Ở góc độ ngân hàng, ông Hồ Tấn Tài - Phó Tổng Giám đốc ACB cho hay, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, giảm ở mức độ nào còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng.

"Kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, song việc giảm lãi suất còn tùy thuộc giá vốn đầu vào, tùy thuộc mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Mặc dù vậy, về xu hướng, theo tôi, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm", ông Hồ Tấn Tài nhận định.

5 ngành hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước

Trong báo cáo phân tích vừa phát hành, công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, động thái giảm lãi suất lần thứ 3 của NHNN sẽ có tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.

Dựa theo số liệu năm 2022, nhóm phân tích đưa ra 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trước quyết định giảm lãi suất của NHNN gồm: Bất động sản, Thép, Thực phẩm, Nuôi trồng nông & hải sản và Xây dựng.

Trong ngắn hạn việc giảm lãi suất phần nào sẽ giúp cho lợi nhuận của các nhóm ngành nêu trên được cải thiện bù đắp trong bối cảnh những yếu tố đầu vào có thể bị tác động tiêu cực bởi việc tăng giá điện 3% ngược chiều.

Lãi vay vẫn cao "ngất ngưởng", 5 ngành chờ hưởng lợi sau quyết định đã được dự báo - Ảnh 3.

Nguồn: Mirae Asset

Với kịch bản trung tính nhất ở mức giảm lãi suất cho vay 0,5%, Chứng khoán Mirae Asset ước tính, ngành Thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2%, và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%.

Trong khi đó, các ngành như Bất động sản, Nuôi trồng nông & hải sản và Xây dựng sẽ có mức cải thiện lợi nhuận từ 1,2% - 3,2% trong kịch bản này.




Huyền Anh
Cùng chuyên mục