Doanh nghiệp liên quan đến bà Nguyễn Hương Giang mua lại trái phiếu trước hạn chỉ sau 4 tháng phát hành

20/06/2024 11:12 GMT+7
Đầu tư và Phát triển Vận Tải đã tất toán trước hạn 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Đáng chú ý, lô trái phiếu này chỉ mới phát hành hơn 4 tháng.

Đầu tư và Phát triển Vận Tải tất toán 450 tỷ đồng trái phiếu trước hạn chỉ sau hơn 4 tháng phát hành

Mã trái phiếu TRACH2427001 được CTCP Đầu tư và Phát triển Vận Tải (gọi tắt là Đầu tư và Phát triển Vận Tải) phát hành ngày 26/1/2024.

Lô trái phiếu TRACH2427001 bao gồm 4.500 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành là 450 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, tương ứng đáo hạn ngày 26/1/2027.

Thông tin công bố tại Cbonds.hnx cho thấy, lô trái phiếu TRACH2427001 được lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam với lãi suất phát hành 6,5%/năm.

Tuy nhiên, ngày 7/6/2024, Đầu tư và Phát triển Vận Tải đã mua lại toàn bộ 450 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô trái phiếu TRACH2427001. Như vậy, lô trái phiếu này được tất toán chỉ sau hơn 4 tháng kể từ thời điểm phát hành.

Doanh nghiệp liên quan đến bà Nguyễn Hương Giang mua lại trái phiếu trước hạn chỉ sau 4 tháng phát hành- Ảnh 1.

Đầu tư và Phát triển Vận Tải tất toán 450 tỷ đồng trái phiếu trước hạn chỉ sau 4 tháng phát hành.

Dữ liệu công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 16/7/2018 cho thấy, Đầu tư và Phát triển Vận Tải được thành lập ngày 30/6/2006. Trụ sở chính công ty đặt tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm này là ông Lê Minh Tài (SN 1976), và là Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty.

Tại thay đổi ngày 19/4/2019, Đầu tư và Phát triển Vận Tải đã thực hiện tăng vốn từ 27 tỷ đồng lên 56,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Tuy nhiên, đến tháng 5/2020, Đầu tư và Phát triển Vận Tải giảm nhẹ vốn điều lệ xuống 56,3 tỷ đồng.

Tại công bố thay đổi ngày 8/4/2021, ông Nguyễn Quý Lâm (SN 1964) trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đồng thời là Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty.

Hơn 1 năm sau đó, thay đổi ngày 13/10/2022 cho thấy, Đầu tư và Phát triển Vận Tải đã tăng vốn lên 112,6 tỷ đồng.

Thay đổi gần đây nhất theo dữ liệu của Etime, bà Nguyễn Hương Giang (SN 1986) trở thành Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Đầu tư và Phát triển Vận Tải.

Doanh nghiệp liên quan đến bà Nguyễn Hương Giang mua lại trái phiếu trước hạn chỉ sau 4 tháng phát hành- Ảnh 2.

Cập nhật tại ngày 19/6, CTCP Đầu tư và Phát triển Vận Tải "trắng" các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, thanh toán gốc/lãi.

Hé mở về CTCP Hakuba - Công ty liên quan đến bà Nguyễn Hương Giang

Một pháp nhân khác cũng liên quan đến bà Giang là CTCP Hakuba, tiền thân là Công ty TNHH Hakuba (gọi tắt là Hakuba). Hakuba được thành lập ngày 11/9/2014. Trụ sở chính đặt tại TP. Hà Nội.

Tại thay đổi ngày 1/9/2017, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Đỗ Duy Tân (SN 1983), và là Giám đốc, Tổng Giám đốc Hakuba.

Theo công bố thay đổi thông tin doanh nghiệp ngày 19/12/2018, ông Tân "nhường" lại vị trí Giám đốc, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cho bà Nguyễn Hương Giang.

Tại thời điểm này, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 2,6 tỷ đồng. Trong đó, bà Giang góp gần 2,55 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 98% vốn; ông Nguyễn Quý Lâm góp 52 triệu đồng, tương ứng sở hữu 2% vốn.

Đến ngày 28/8/2020, Hakuba tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông vẫn gồm 2 thành viên là bà Giang (nắm giữ 99,95% vốn, tương ứng góp gần 99,5 tỷ đồng) và ông Lâm (nắm giữ 0,5% vốn; tương ứng góp 52 triệu đồng).

Thay đổi ngày 19/10/2020, Công ty TNHH Hakuba đổi tên thành CTCP Hakuba.

Sau đó, công bố thông tin thay đổi ngày 24/12/2020, Hakuba tăng vốn điều lệ lên 810 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Thống kê tại Cbonds.hnx ngày 20/6/2024, Hakuba đa phát hành 22 lô trái phiếu trong giai đoạn năm 2018 - 2019. Duy nhất có 1 lô trái phiếu mã HKBB1727001 được phát hành ngày 24/11/2017. Tổng giá trị của 23 lô trái phiếu này là 5.855 tỷ đồng.

Đáng chú ý, điểm chung của 23 lô trái phiếu này đều được lưu ký tại CTCP Chứng khoán VPS với lãi suất phát hành từ 9 - 10%/năm.

Thống kê Etime tại Cbonds.hnx ngày 20/6 cho thấy, Hakuba đã thực hiện 30 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể:

Trong ngày 17/3/2023, Hakuba đã chi 1.366 tỷ đồng, mua lại 13 trái phiếu trước hạn. Trong đó, tất toán 10 lô trái phiếu và mua lại một phần của 3 lô trái phiếu (HKBH1828014, HKBH1828004 và HKBH1828015).

Tiếp đến ngày 31/7/2023, Hakuba tiếp tục chi 2.160 tỷ đồng để mua lại 6 lô trái phiếu trước hạn, qua đó, giảm khối lượng lưu hành của 4 lô và tất toán 2 lô.

Gần 1 tháng sau, ngày 21/8/2023, Hakuba chi hơn 255 tỷ đồng mua lại trái phiếu đang lưu hành thuộc 5 lô trái phiếu, qua đó tất toán cả 5 lô trái phiếu này.

Cuối cùng, ngày 30/11/2023, Hakuba đã tất toán toàn bộ 6 lô trái phiếu trước hạn với tổng số tiền là 987,7 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại (20/6), Hakuba đã "sạch" nợ trái phiếu. Đáng chú ý, Hakuba không công bố các thông tin liên quan đến kết quả chào bán trong nước, tình hình tài chính của công ty.

Doanh nghiệp liên quan đến bà Nguyễn Hương Giang mua lại trái phiếu trước hạn chỉ sau 4 tháng phát hành- Ảnh 3.

CTCP Hakuba không công bố thông tin liên quan đến kết quả chào bán trái phiếu. Ảnh: Cbonds.hnx ngày 20/6/2024.

Linh Anh
Cùng chuyên mục