Doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc điêu đứng khi Mỹ, EU dấn sâu vào suy thoái
Nền kinh tế Mỹ và EU đều tăng trưởng âm trong quý I/2020 và dự kiến sẽ suy thoái sâu trong quý II. Điều này có nguy cơ tạo ra cú sốc cầu to lớn với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, những doanh nghiệp có liên hệ chặt chẽ với các thị trường lớn như Mỹ và EU.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 4,8% trong quý I, theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ. Trong khi đó, kinh tế EU cũng suy giảm 2,7% trong quý I, theo dữ liệu của Eurostat hôm 30/4. EU và Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau ASEAN. Trong năm ngoái, ước tính 1/3 trong tổng khối lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc có đích đến là thị trường Mỹ và EU.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, khối lượng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm lên tới 20,8% trong tháng 3. Kim ngạch xuất khẩu hàng Trung Quốc sang thị trường EU cũng giảm 16% trong 3 tháng đầu năm 2020.
Khi Trung Quốc kiểm soát nhanh chóng đại dịch Covid-19 hồi đầu tháng 3, nước này đã nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh để bắt kịp mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng dịch bệnh lan rộng tại Mỹ và EU đã gây ra cú sốc cầu tồi tệ với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, khiến nỗ lực phục hồi kinh tế của Bắc Kinh phải đối diện với thách thức to lớn. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hồi tháng 4, đại dịch Covid-19 có thể khiến kim ngạch thương mại toàn cầu sụt giảm từ 13-32% trong năm nay.
Yu Chunhai, phó hiệu trưởng kinh tế của trường Đại học Renmin nhận định: “Sự sụt giảm lớn trong nền kinh tế Mỹ và Châu Âu quý I đang cảnh báo một cuộc suy thoái toàn cầu đến gần”. China International Capital Corp (CICC), ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc thậm chí dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 28% trong quý II khi nước này phải vật lộn để cân bằng việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ với việc khởi động lại hoạt động kinh tế. Thậm chí, thị trường lo ngại tốc độ mở cửa kinh tế trở lại nhanh chóng của Mỹ và Châu Âu có nguy cơ thổi bùng làn sóng bùng phát dịch bệnh tiếp theo.
Chỉ số quản lý thu mua PMI phát hành hôm 30/4 đã chỉ ra các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh từ 46,4 trong tháng 3 xuống 33,5 trong tháng 4. Khi các đơn hàng từ thị trường Mỹ và EU giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã bắt đầu sa thải người lao động.
Ngân hàng CICC dự báo kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm mạnh tới 20% trong tháng 4 khi công cụ theo dõi thương mại toàn cầu của hãng này cho thấy lưu lượng hàng hóa giảm hơn 60%. TS Lombard, một công ty nghiên cứu tại London dự báo mức giảm tới 40% trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4, còn Ngân hàng Nomura của Nhật Bản thì ôn hòa hơn với dự báo sụt giảm 30%.
Trong bối cảnh bi quan như vậy, Bắc Kinh đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm cắt giảm thuế, hạ lãi suất cơ bản và giảm chi phí tài chính… Tuy nhiên, một quan chức của Cục thống kê Trung Quốc, ông Zhao Qinghe nhận định: “Sẽ mất một thời gian để các đơn đặt hàng tăng trở lại”. Zhang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Huaxin Securities thì cảnh báo rằng nhà chức trách nên tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trả lương cho người lao động để tránh tình trạng sa thải nhân công.