Doanh thu tháng 7 trên tất cả thị trường của Vĩnh Hoàn (VHC) đều tăng mạnh
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh thu 765 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, tăng 7% so với tháng 6.
Trong đó, đóng góp chính (72%) vào đà tăng doanh thu là sản phẩm cá tra với mức tăng trưởng 27% so với tháng 7/2020, đạt 554 tỷ doanh thu.
Nhóm sản phẩm phụ liên quan (by-products) cũng tăng đáng kể 15% lên mức 125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong tổng doanh thu VHC, sau sản phẩm chính là cá tra phi lê.
Sản phẩm chức năng (Wellness) cũng tăng trở lại 19%, đóng góp doanh thu vào khoảng 60 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, dòng phụ phẩm (Value-added) giảm mạnh 31%, doanh thu tương ứng giảm từ mức 12 tỷ xuống còn 8 tỷ đồng. Dòng tạp phẩm (miscellaneous) cũng giảm 19% so với cùng kỳ.
Chiều ngược lại, sản phẩm giá trị gia tăng và các sản phẩm khác tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Thực tế hai nguồn doanh thu này đóng góp tỷ lệ khá nhỏ trong tổng doanh thu.
Xét theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia đều cho thấy sự phục hồi sau một năm vì đại dịch COVID-19, tăng 21% so với cùng kỳ.
Trong đó thị trường Mỹ đóng góp 43% vào tổng doanh thu và tăng 31% so với tháng 7/2020. Theo công ty, kết quả này đến từ nhu cầu tăng cao của nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ.
Trong khi đó, Sa Giang (HNX: SGC) báo cáo doanh thu tháng 7 đạt 46,4 tỷ đồng, tăng 50%. Thị trường châu Âu đóng góp 37,9 tỷ đồng, tăng 50%; thị trường nội địa 4,97 tỷ đồng, tăng 24%.
Nhờ hoạt động xuất khẩu khả quan, đặc biệt là quý II mà doanh thu lũy kế nửa đầu năm của Vĩnh Hoàn đạt 4.131 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh do chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận ròng chỉ còn tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
SSI Research cho biết ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn chia sẻ thị trường Mỹ vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng. Việc sản xuất áp dụng phương thức “3 tại chỗ” làm việc/sinh hoạt tại chỗ, khiến đơn vị chỉ hoạt động 65% công suất tại các nhà máy so với công suất bình thường là khoảng 85% trong đợt dịch Covid-19 tái bùng phát lần 4. Đồng thời, những thách thức về vận chuyển hàng hóa do thiếu hụt container vẫn tiếp diễn, đây là vấn đề khó quản lý chi phí, do nhiều đơn hàng bị kẹt tại các cảng biển.
Kể từ khi chi phí vận chuyển toàn cầu bắt đầu tăng từ tháng 10/2020, đã có nhiều đơn đặt hàng loại CIF hơn (Vĩnh Hoàn chịu gần như toàn bộ chi phí vận chuyển) để giữ mối quan hệ lâu dài với các nhà nhập khẩu. Mặc dù ban lãnh đạo đang nỗ lực đàm phán nhiều đơn đặt hàng FOB hơn cho hợp đồng tháng 10/2021 sắp tới, nhưng nếu giá cước vẫn cao thì hai bên vẫn sẽ cùng chịu chi phí vận chuyển.
Ban lãnh đạo lạc quan hơn với lợi nhuận quý IV nếu tình hình dịch Covid-19 cải thiện vì đây là mùa cao điểm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn.
Cũng liên quan đến Vĩnh Hoàn, mới đây VHC đã cùng với CJ và Baemin rót vốn vào startup thịt tôm nhân tạo - Shiok Meats - tại Singapore, hướng đến công nghiệp protein thay thế.
Theo kế hoạch, 12-18 tháng tiếp theo là thời gian rất quan trọng và các khoản tiền huy động sẽ cho phép Shiok Meats xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore, trong đó tập trung vào R&D.
Trong bối cảnh nhu cầu đối với các loại thực phẩm thay thế thịt đang bùng nổ do quan ngại của con người liên quan đến sức khỏe, vấn đề bảo vệ động vật và môi trường chăn nuôi, Shiok Meats thực hiện sứ mệnh đem lại cho người tiêu dùng thịt tôm chế tạo trong phòng thí nghiệm.