Nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore

23/07/2021 07:44 GMT+7
Vĩnh Hoàn đã bắt tay với 2 công ty lớn khác đầu tư vào startup thịt tôm nhân tạo tại Singapore, hướng đến công nghiệp protein thay thế.

Mới đây, Shiok Meats - công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm tuyên bố huy động được vòng tài trợ mới từ các công ty hàng đầu trong ngành thực phẩm của Hàn Quốc là Woowa Brothers Asia Holdings và CJ CheilJedang Corporation, cùng với Vĩnh Hoàn (VHC).

Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.

Nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore - Ảnh 1.

Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore. Ảnh Shiok Meats.

Cùng với 3 nhà đầu tư chính trên, một số đơn vị khác cũng tham gia bao gồm IRONGREY (công ty gia đình tại Hàn Quốc chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ), Big Idea Ventures, Twynam Investments (Úc), Henry Soesanto, The Alexander Payne Living Trust (Mỹ), Beyond Impact Vegan Partners (châu Âu), Boom Capital Fund (Mỹ), Toyo Seikan Group Holdings (một công ty sản xuất và đóng gói có trụ sở tại Nhật Bản) và Mindshift Capital (UAE).

Theo đó, tính đến hiện tại tổng số vốn Shiok Meats đã huy động đạt gần 30 triệu USD.

"Chúng tôi rất vui mừng khi được đối tác tin tưởng vào tiềm năng mở rộng của lĩnh vực chế biến thịt hải sản từ tế bào. Theo kế hoạch, 12-18 tháng tiếp theo là thời gian rất quan trọng và các khoản tiền huy động sẽ cho phép chúng tôi xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore, trong đó tập trung vào R&D. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác với các bên trong ngành công nghiệp sản xuất protein thay thế", Tiến sĩ Sandhya Sriram, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của Shiok Meats nói.

Theo kế hoạch, Shiok Meats sẽ ra mắt sản phẩm tại Singapore muộn nhất vào năm 2023.

Shiok Meats được thành lập từ năm 2018. Đây là công ty sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào đầu tiên ở Đông Nam Á và là công ty sản xuất thịt động vật giáp xác (tôm, tôm hùm, cua, tôm càng) đầu tiên trên thế giới theo hướng bền vững, lành mạnh, không độc hại.

Hiện Shiok Meats hiện có hơn 30 nhà khoa học, kỹ sư, kỹ sư công nghệ thực phẩm và các chuyên gia kinh doanh. 

Về sản phẩm của Shiok Meats, công ty này sử dụng mẫu các tế bào từ tôm để nuôi thành thịt tôm ở dạng băm. Các tế bào này được nuôi bằng dưỡng chất trong dung dịch và giữ ở môi trường 28 độ, để các tế bào sinh sôi và biến thành thịt trong khoảng từ 4 đến 6 tuần.

Nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore - Ảnh 2.

Công ty Shiok Meats sẽ dùng thịt tôm nuôi cấy từ tế bào gốc để sản xuất bánh bao. Ảnh: SCMP.

"Nhiều công ty sử dụng thực vật để tạo ra hải sản nhân tạo, nhưng chúng tôi sử dụng tế bào gốc để tạo ra hải sản thực sự. Chúng tôi không ủng hộ những cách gọi như thịt nhân tạo, thịt giả hoặc thịt trong phòng thí nghiệm", Sriram -nhà sáng lập Shiok Meats chia sẻ.

Theo Sriram, một lợi thế lớn của thịt nuôi cấy là tính bền vững. Loại thịt này cũng sạch hơn, không chứa thuốc kháng sinh, kim loại nặng, vi nhựa hoặc xâm phạm quyền động vật.

Kể từ khi được thành lập, Shiok Meats đã có những bước phát triển đáng kể trong một thời gian ngắn. Shiok Meats nhanh chóng giới thiệu nguyên mẫu tôm hùm và tôm dựa trên tế bào đầu tiên của mình trong các buổi nếm thử độc quyền chỉ sau 1 năm thành lập (vào năm 2019). 

Tiên phong trong lĩnh vực protein thay thế, Shiok Meats nhận được nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư, đơn cử là Startup SG Tech Proof-of-Value (POV) với mong muốn thương mại hóa công nghệ này một cách nhanh chóng.

Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Vào năm 2050, công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.

Như vậy, Vĩnh Hoàn sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo đuổi việc đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình.

Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng 6/2021 với tổng doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, dòng sản phẩm cá tra tiếp tục đóng vai trò chính trong cơ cấu doanh thu của VHC, với 478 tỷ đồng, chiếm 67% trong tổng doanh thu. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu mảng cá tra tăng tới 16% (cùng kỳ năm trước đạt 411 tỷ đồng).

Doanh thu sản phẩm phụ cũng tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 161 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 111 tỷ đồng); sản phẩm giá trị gia tăng cũng tăng 19%, đạt 13 tỷ đồng.

Ngược lại, mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm khác ghi nhận sụt giảm 39% và 4% so với cùng kỳ, lần lượt đạt con số 43 tỷ và 18 tỷ đồng.

Xét theo khu vực xuất khẩu, trong tháng 6, thị trường Mỹ tiếp tục được cải thiện với mức tăng trưởng 77% lên 298 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn. Theo công ty, kết quả này đến từ nhu cầu tăng cao của nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ.

Thị phần các sang nước khác cũng tăng 5%, lên mức 206 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 195 tỷ đồng).

Song, thị phần tại thị trường châu Âu và Trung Quốc, giá trị xuất khẩu có sự suy giảm lần lượt là 25% và 12%, tương ứng với doanh thu lần lượt chỉ còn 100 tỷ và 109 tỷ đồng.

Nguyên nhân sụt giảm của thị trường Châu Âu (giảm 25%) và Trung Quốc (giảm 12%), được lý giải là do nguy cơ tái xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta.

Tuy nhiên, nếu so với tháng 5/2021, tổng doanh thu VHC ghi nhận giảm 4% chủ yếu đến từ sự sụt giảm ở các mảng chăm sóc sức khỏe và cá tra, trong khi sản phẩm phụ và giá trị gia tăng đồng loạt tăng. Về thị trường, hầu hết các thị trường chính đều tuột dốc như Hoa Kỳ (giảm 5%), Châu Âu (giảm 10%) và Trung Quốc (giảm 9%), duy chỉ có ở thị trường khác tăng 5% so với tháng trước.


An Vũ
Cùng chuyên mục