Giá nông sản hôm nay 16/8: Cà phê quay đầu giảm mạnh sau 7 năm đạt đỉnh, heo hơi điều chỉnh nhẹ
Giá heo hơi: Tăng giảm trái chiều
Giá heo hơi tại miền Bắc hôm nay tăng giảm khoảng 1.000 đồng/kg ở nhiều nơi. Tại tỉnh Yên Bái nhích nhẹ một giá lên mức 55.000 đồng/kg, ngang bằng với hai tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang. Trong khi đó, tại Thái Bình, giá heo hơi về 54.000 đồng/kg, sau khi giảm nhẹ. Các địa phương còn lại vẫn duy trì giao dịch ổn định trong hôm nay.
Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi ngang trên diện rộng. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Ninh Thuận giá heo hơi thu mua quanh mốc 55.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại đang giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 54.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay: Đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 76.000 - 79.500 đồng/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (78.000 đồng/kg); Bình Phước (78.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.500 đồng/kg.
Theo KT&ĐT, đúng như dự đoán của giới quan sát, khi thị trường trong nước chưa kịp cán mốc 80.000 đồng/kg đã có động thái điều chỉnh từ phía các công ty xuất khẩu. Sau thời gian tăng mua để bù lại lượng dữ trự tiêu đã bán tháng 7/2021, khi đã đủ hàng cũng là lúc thị trường "giảm nhiệt".
Với tình hình hiện nay, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc đã phải đóng cửa một phần cảng container có hoạt động sầm uất thứ 3 thế giới vì Covid-19, thì động thái trên cũng là điều dễ lường trước.
Hiện hồ tiêu vẫn còn ùn lại ở các cảng phía Nam khá nhiều. Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) thông tin: Dịch bệnh xảy ra đã làm cho các hãng tàu và container vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn.
Bên cạnh đó, nhân viên giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi đi từ vùng dịch về, buộc phải cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Hiệp, Công ty đang tồn khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, còn do thiếu tàu, container, xe vận chuyển, nhân công…
Giới thương nhân cho rằng nhu cầu tăng mua của thị trường phía Bắc cho kỳ Lễ Quốc khánh sắp tới sẽ giúp giảm bớt sự dồn ứ này. Đây cũng thông tin tích cực cho thị trường nửa cuối tháng 8/2021.
Thị trường cũng đang đón nhận tin tốt từ dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 7/2021 đạt 26.339 tấn hạt tiêu các loại, giảm 6.816 tấn (20,56%) so với tháng trước nhưng lại tăng 8.337 tấn (46,31%) so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đạt 95,13 triệu USD, giảm 23,57 triệu USD, tức giảm 19,85 % so với tháng trước nhưng lại tăng 50,26 triệu USD, tức tăng 112,03 % so với cùng kỳ năm trước. Như vậy xuất khẩu hồ tiêu tháng 7/2021 lượng giảm nhưng giá vẫn tăng.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 16/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), không đổi so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 12-18/8/2021 là 311,41 VND/IRN.
Giá cà phê: Quay đầu giảm
Sau khi đạt đỉnh 7 năm hồi tháng 7, bước sang đầu tháng 8, giá cà phê thế giới giảm mạnh 10%. Điều này tác động xấu đến giá cà phê trong nước khi giảm 2,7%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Ngành công nghiệp rang xay chậm lại khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nguyên liệu giảm. Đồng Real suy yếu khiến người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh khiến giá cà phê giảm.
Theo số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của Honduras trong tháng 7 tăng mạnh 122,8% so với tháng 7/2020.
Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại Indonesia, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7 đạt hơn 111 nghìn bao, giảm hơn 66% so với tháng 7/2020.
Lũy kế 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2020-2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 1.75 triệu bao, giảm 34% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2019-2020.
Tình trạng thiếu container rỗng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê của Indonesia giảm.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/8, giá cà phê giảm khoảng 7% so với cuối tháng 7 xuống quanh mức 1.754 - 1.756 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/8, giá cà phê arabica giảm 10% so với ngày 30/7, xuống còn khoảng 180 US cent/pound.
Những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê trong nước giảm theo giá thế giới. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương mặt hàng.
Theo đó, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa giảm 2,7% so với cuối tháng 7, xuống còn 35.500 – 36.700 đồng/kg.