Đối diện với nền kinh tế suy kiệt, Taliban liệu có bỏ được nguồn thu khủng từ ma túy?

31/08/2021 07:04 GMT+7
Sau khi nắm quyền ở Afghanistan, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này của Taliban là củng cố nền kinh tế vốn đã lao đao vì dịch bệnh và bất ổn.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng khi Taliban phải đối mặt với tình hình bất ổn tài chính nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của Mỹ và hàng loạt tổ chức quốc tế, ma túy có khả năng sẽ là nguồn thu nhập quan trọng với chính quyền mới ở Kabul.

Khi Taliban tiến vào Kabul, tình hình hỗn loạn đã khiến giá hàng hóa tăng vọt ở Afghanistan. Trong khi đó, kể từ chiều 15/8, ngay trước khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn, các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Kabul gần như đã đóng cửa hoàn toàn. Ban đầu, việc đóng cửa là một phản ứng trước mối quan ngại về nguy cơ bất ổn, bạo loạn khi Taliban tiến vào Kabul. Nhưng nhiều ngày trôi qua, các nhà băng vẫn đóng cửa im lìm sau quyết định của Washington về việc cắt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung Ương Afghanistan với 7 tỷ USD vàng và tiền mặt dự trữ của Ngân hàng này đang nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Fed. Trước áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đóng băng 460 triệu USD đáng lẽ được phân bổ đến Afghanistan trong tuần này. Đây là những thách thức ghê gớm với hệ thống tài chính Afghanistan, bởi viện trợ quốc tế chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước của quốc gia này.

Đối diện với nền kinh tế suy kiệt, Taliban liệu có bỏ được nguồn thu khủng từ ma túy? - Ảnh 1.

Sau khi nắm quyền ở Afghanistan, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này của Taliban là củng cố nền kinh tế vốn đã lao đao vì dịch bệnh và bất ổn (Ảnh: AP)

Sau hơn một tuần đóng cửa vì tình trạng thiếu tiền mặt, một số các ngân hàng ở Kabul đã mở cửa trở lại hôm 25/8 nhưng sau đó tiếp tục ngừng hoạt động vì tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng, không đáp ứng kịp nhu cầu rút tiền của người dân. Trong một nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tiền mặt như Afghanistan, việc thiếu hụt tiền giấy dù chỉ trong vài ngày cùng với sự sụp đổ của chính quyền do phương Tây hậu thuẫn đã gây nên sự hoang mang kéo dài nhiều ngày với người dân.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên do bất ổn xã hội và cạn kiệt tài chính. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi sống ở Kabul cho biết: “Tôi đã được thông báo không cần đi làm. Tôi e rằng tình trạng này sẽ kéo dài trong ít nhất nửa năm nữa”.

Các nhà lãnh đạo mới ở Afghanistan đang tìm cách vẽ nên một bức tranh màu hồng. Người phát ngôn của Taliban cho hay lực lượng này sẽ tái thiết nền kinh tế ngay khi xung đột lắng xuống, và rằng Afghanistan sẽ là một "quốc gia không có ma tuý", nền kinh tế sẽ hồi sinh từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuyên bố này trái ngược với một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 6 rằng nguồn tài trợ chính của Taliban hiện đến từ các hoạt động như buôn bán ma túy, sản xuất thuốc phiện, bắt cóc để đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc ảnh hưởng. Thu nhập ước tính từ các hoạt động này lên tới 1,6 tỷ USD mỗi năm. 

World Bank cho hay tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của Afghanistan năm ngoái đạt khoảng 19 tỷ USD. Như vậy, các nguồn thu ước tính của Taliban hiện bằng khoảng gần 10% GDP. Việc các tổ chức quốc tế cắt viện trợ quốc tế rất có thể sẽ dẫn tới sự phụ thuộc của Taliban vào những hoạt động “bóng tối” kể trên. 

Cho đến nay, Afghanistan được coi là một trong những quốc gia sản xuất cây thuốc phiện hàng đầu thế giới, có thể được tinh chế thành heroin. Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm cho biết có tới 224.000 ha đất trồng cây thuốc phiện trải dài khắp đất nước. Báo cáo về ma túy của Liên Hợp Quốc cho thấy có tới 22 trong số 34 tỉnh của Afghanistan là những vùng sản xuất cây thuốc phiện với sản lượng đáng kể. Riêng năm ngoái, ước tính có khoảng 6.300 tấn thuốc phiện đã được sản xuất dưới sự giám sát của Taliban, trị giá khoảng 350 triệu USD. "Tất cả các khu vực ngoại trừ khu vực phía Đông đều chứng kiến sự gia tăng diện tích trồng cây thuốc phiện vào năm 2020", theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm. 

Đó là lý do vì sao các nhà phân tích cho rằng trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế, chính phủ mới của Taliban sẽ coi cây thuốc phiện là “cứu cánh”.

Triển vọng khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là không chắc chắn. Mặc dù Afghanistan có trữ lượng mỏ đồng, sắt, thủy ngân, đất hiếm và đá cẩm thạch… rất lớn, ước tính giá trị lên tới 3 nghìn tỷ USD, nhưng "hầu hết việc khai thác khoáng sản ở Afghanistan là bất hợp pháp hoặc không được kiểm soát", theo Viện Hòa bình Mỹ. "Đối với Taliban, khoáng sản là nguồn thu lớn thứ hai sau ma tuý", nhóm nghiên cứu cho hay. "Doanh thu hàng năm từ khai khoáng ước tính lên tới 200-300 triệu USD”.


NTTD
Cùng chuyên mục