Đối mặt với nhiều khó khăn, giá tiêu tiếp tục lao dốc

24/09/2022 16:43 GMT+7
Tháng 9/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất trên thế giới, tăng tại Indonesia, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Việt Nam và Brazil.

Giá tiêu hôm nay 24/9, thị trường không thể khởi sắc

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định tại một số vùng trồng trọng điểm, giao dịch từ 64.000 – 67.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 64.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (65.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (65.000 đồng/kg); Bình Phước (66.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 67.000 đồng/kg.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế tiếp tục niêm yết hạ giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, giữ nguyên tại các quốc gia khác.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, năm 2022, sản lượng tiêu trong nước có thể đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với năm 2021. Dù vậy, sản lượng tiêu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới, chiếm 35% so với toàn cầu.

Theo Peppertrade, thị trường châu Âu - Mỹ và Trung Đông đang đổ xô đến Brazil để mua các loại nông sản do chi phí hậu cần thấp hơn và giá cả mềm hơn. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc còn nhiều thách thức do khủng hoảng bất động sản chưa được giải quyết, sự bùng phát của dịch Covid-19 do biến thể mới khiến chính phủ duy trì chính sách Zero Covid khiến thị trường hàng hóa nói chung, hạt tiêu nói riêng không thể khởi sắc trong ngắn hạn. Giá cà phê tăng cao cũng góp phần đẩy giá tiêu vào thế bất lợi. Mùa cà phê đang đến, các đại lý cần tiền buôn bán cà phê nên áp lực bán tiêu lấy tiền đầu tư cà phê từ nay đến cuối năm khá lớn.

Đối mặt với nhiều khó khăn, giá tiêu tiếp tục lao dốc - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 24/9, thị trường không thể khởi sắc, hồ tiêu rơi vào thế bất lợi, áp lực bán lớn.

Trên thị trường thế giới, tháng 9/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất trên thế giới, tăng tại Indonesia, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Việt Nam và Brazil.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 19/9/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 30/8/2022.

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 16/9/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 59 USD/tấn so với ngày 30/8/2022, lên mức 4.131 USD/tấn. 

Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 122 USD/tấn so với ngày 30/8/2022, lên mức 6.491 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 16/9/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 31 USD/tấn so với ngày 30/8/2022, xuống mức 6.514 USD/tấn.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 19/9/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 200 USD/tấn so với ngày 30/8/2022, xuống còn lần lượt 3.350 USD/ tấn và 3.600 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 100 USD/tấn so với ngày 30/8/2022, xuống còn 5.300 USD/tấn.

Tại Brazil, ngày 19/9/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 100 USD/ tấn so với ngày 30/8/2022, xuống còn 2.850 USD/tấn. 

Dự báo trong ngắn hạn, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục giảm do đồng USD tăng mạnh khi kỳ vọng lớn về việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục nâng lãi suất. Việc Fed liên tục tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát đã đẩy đồng USD chảy ngược vào Hoa Kỳ. Điều này khiến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hạt tiêu. 

Hiện một số quốc gia như Pakistan và Ai Cập, vốn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, đang gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, nhiều Ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất tiền tệ cơ bản, có thể sẽ thúc đẩy suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn nữa. 

Nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá hạt tiêu những tháng tiếp theo. Đặc biệt là 2 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn trên thế giới là châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện Brazil đang bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu, sản lượng dự kiến tăng 10% so với năm 2021 lên 98.000 tấn trong năm 2022. Sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ dự kiến tăng nhẹ lên 68.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam dự kiến sẽ giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi dự kiến sẽ ổn định ở các nước sản xuất hạt tiêu khác. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn (gồm: 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang).

Hạt tiêu còn khó khăn đầu ra tới hết năm?

Những ngày nửa đầu tháng 9/2022, giá hạt tiêu nội địa đã giảm mạnh do đầu ra gặp khó khăn. Brazil đang bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu, giá chào xuất khẩu cạnh tranh hơn so với giá chào bán của Việt Nam khoảng từ 200 – 300 USD/tấn. 

Dự báo giá hạt tiêu nội địa sẽ biến động theo xu hướng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp. Ngày 19/9/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 1.000 – 2.500 đồng/ kg so với ngày 29/8/2022 (tùy từng khu vực khảo sát), xuống mức 64.500 – 67.5000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 103.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2022 và thấp hơn so với mức 119.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 18,7 nghìn tấn, trị giá trên 76 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 5,0% về trị giá so với tháng 7/2022, nhưng so với tháng 8/2021 tăng 6,9% về lượng và tăng 15,4% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 160,9 nghìn tấn, trị giá 714,54 triệu USD, giảm 18,6% về lượng, nhưng tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.070 USD/ tấn, giảm 3,4% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 8,0% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.441 USD/tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường: Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tới một số thị trường truyền thống tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, nhưng xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Hà Lan, Philippines giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường chính giảm như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Anh, Nga. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng ở mức 2 con số.

Đối mặt với nhiều khó khăn, giá tiêu tiếp tục lao dốc - Ảnh 2.

Dự báo giá hạt tiêu nội địa sẽ biến động theo xu hướng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp.

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, Việt Nam đang hướng mạnh xuất khẩu tiêu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). EU là một trong những thị trường nhập khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới. Hiện nguồn cung hạt tiêu cho EU chủ yếu từ thị trường ngoại khối. Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung hạt tiêu từ các nước đang phát triển cũng có nghĩa là hầu như tất cả thương mại nội khối EU (bao gồm hàng tái xuất) ban đầu đều đến từ các nước đang phát triển. Do đó, EU là thị trường mà bất kỳ nước sản xuất hạt tiêu nào cũng muốn thâm nhập sâu, rộng. 

Tại EU, gần 90% lượng hạt tiêu đen nhập khẩu là hạt tiêu nguyên hạt, 10% còn lại là hạt tiêu xay. Các nhà nhập khẩu EU chuộng hạt tiêu nguyên hạt vì dễ kiểm tra và kiểm soát độ an toàn và chất lượng. Ngoài ra, hạt tiêu nguyên hạt được sấy khô đúng cách có thể lưu giữ hương vị trong một thời gian dài. Tiêu thụ hạt tiêu đen dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định nhờ sự gia tăng dân số EU. 

Dự kiến nhập khẩu hạt tiêu của EU có khả năng tăng với tốc độ tăng hàng năm từ 1-2%. Các thị trường EU có lợi thế về giá so với các thị trường châu Á đối với các nhà xuất khẩu tiêu đen chất lượng cao và sản xuất bền vững. Theo Eurostat, tháng 6/2022, EU nhập khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 18,1 nghìn tấn, trị giá 95,15 triệu EUR, giảm 17% về lượng và giảm 16,1% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 33% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hạt tiêu đạt 52,9 nghìn tấn, trị giá 266,38 triệu EUR, tăng 6,7% về lượng và tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá nhập khẩu bình quân: Tháng 6/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của EU đạt mức 5.259 EUR/tấn, tăng 1% so với tháng 5/2022 và tăng 45,4% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của EU đạt mức 5.030 EUR/tấn, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của EU tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Căm-pu-chia.

Cơ cấu nguồn cung 6 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 35,9 nghìn tấn, trị giá 170,53 triệu EUR, tăng 8,9% về lượng và tăng 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 19,8 nghìn tấn, trị giá 94,27 triệu EUR, tăng 27,6% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu EU tăng từ 31,25% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 37,36% trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, EU giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil với mức giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 46,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,91 nghìn tấn, trị giá 34,39 triệu EUR. Thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu EU giảm từ 20,49% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,84% trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Để thâm nhập thị trường EU, sản phẩm hạt tiêu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, nhãn mác. Với kết quả phân tích trên có thể thấy, ngoài việc tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành hạt tiêu Việt Nam đã thực hiện tốt các yêu cầu khắt khe của thị trường EU.

Đối mặt với nhiều khó khăn, giá tiêu tiếp tục lao dốc - Ảnh 3.

Nguồn: Eurostat

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục