Dòng vốn ngoại chảy khỏi TTCK Trung Quốc đang tìm đường đến Ấn Độ
Trong những tháng qua, việc Bắc Kinh siết quản lý hàng loạt lĩnh vực đã thổi bay hơn 1 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Điều này tạo động lực cho một số nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi TTCK đại lục để chuyển sang các thị trường tiềm năng khác, mà Ấn Độ, quốc gia đang đứng trước tiềm năng tăng trưởng kỷ lục sau khi phục hồi từ làn sóng dịch Covid-19 hồi quý II, là một điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Nhưng khi định giá cổ phiếu tại Ấn Độ ngày một tăng cao và cơ hội kiếm lời bắt đầu tái xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều người đang tự hỏi liệu gió có đổi chiều lần nữa hay không.
Trong 5 năm qua, các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc và Ấn Độ thường diễn biến trái chiều. Trong số các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực, Ấn Độ có mối tương quan thấp nhất với Trung Quốc. Chỉ số thị phần chính tại thị trường Ấn Độ bị chi phối bởi các công ty phục vụ cho người tiêu dùng trong nước hoặc hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu như phần mềm, có ít liên hệ với các lĩnh vực thế mạnh của Trung Quốc. Điều này trái ngược với các thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy mối tương quan giữa chỉ số Sensex của Ấn Độ và Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc chỉ là 0,04 dựa trên mức trung bình của 90 ngày qua, thấp hơn 6 lần mức tương quan giữa chỉ số Kospi của Hàn Quốc và CSI 300 của Trung Quốc (0,25).
"Thị trường chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc có nhịp điệu riêng", Herald van der Linde, chiến lược gia cổ phần châu Á tại Ngân hàng HSBC (Hồng Kông) cho biết. "Thị trường Hàn Quốc có rất nhiều công ty tiếp xúc với Trung Quốc và Mỹ, trong khi tại Ấn Độ, có ít công ty có mối quan hệ này. Các nhà đầu tư có thể tận dụng động lực này và nếu họ muốn bán cổ phiếu Trung Quốc, họ có thể đầu tư vào Ấn Độ."
Dòng vốn vào Trung Quốc thông qua các sàn giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông và đại lục, vốn chiếm khoảng 70% dòng vốn danh mục đầu tư nước ngoài, đã sụt giảm trong tháng 6 và tháng 7 sau khi tăng kỷ lục vào đầu năm nay do chiến dịch siết quy định của Bắc Kinh.
Trong khi đó, thị trường Ấn Độ hiện là thị trường nhận dòng vốn ngoại lớn nhất khu vực (ngoại trừ Trung Quốc) cho đến nay. Chỉ số cổ phiếu chuẩn của Ấn Độ là chỉ số có mức tăng điểm hàng đầu trong số các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu trong năm nay, được thúc đẩy bởi đà tăng mạnh mẽ các cổ phiếu tài chính, công nghiệp và tiêu dùng. Nhà đầu tư vào thị trường này đặt cược rằng số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày đã qua đỉnh, và rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục duy trì các kích thích để hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang cảm thấy lạc quan từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các người chơi mới trên thị trường chứng khoán Ấn Độ trong bối cảnh lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng và các khoản tiết kiệm khác giảm. Theo cơ quan quản lý thị trường, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân của Ấn Độ đã tăng gần 35% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, đạt 55 triệu tài khoản. Kết hợp với lợi thế quy mô thị trường, Ấn Độ dễ dàng hấp thụ dòng thanh khoản chảy ra từ thị trường Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Chính điều này biến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, theo các nhà phân tích. Theo Goldman Sachs, các quỹ nước ngoài đã bơm 37,6 tỷ USD vào TTCK Ấn Độ trong năm 2019 và 2020.
Trong khi chỉ số CSI 300 blue-chip của Trung Quốc, theo dõi các cổ phiếu lớn nhất được giao dịch ở hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, đã giảm 17% so với mức đỉnh hồi tháng 2, thì chỉ số chuẩn S & P / BSE Sensex của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục mới vào phiên giao dịch cuối tuần trước.
Sunil Tirumalai, chiến lược gia Ấn Độ tại UBS Global Research, cho biết: “Chứng khoán Trung Quốc ngày càng trở nên rủi ro hơn và do đó, đầu tư vào cổ phiếu Ấn Độ có vẻ hấp dẫn”. Nhưng việc định giá ngày càng đắt đỏ với cổ phiếu Ấn Độ có thể sẽ khiến dòng tiền rời Trung Quốc hướng đến các thị trường khác bên ngoài Ấn Độ, thậm chí là quay ngược trở lại Trung Quốc.