Khối lượng giao dịch tại TTCK Trung Quốc tăng kỷ lục khi Bắc Kinh giám sát lĩnh vực BĐS và tiền ảo

04/09/2021 06:34 GMT+7
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang rót vốn vào thị trường chứng khoán trong nước khi những kênh đầu tư sinh lợi được ưa chuộng trước đó như bất động sản và tiền điện tử bị chính phủ giám sát chặt chẽ hơn.

Kể từ cuối tháng 7, khối lượng giao dịch hàng ngày cổ phiếu A (cổ phiếu của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, giao dịch trên hai Sàn chứng khoán Trung Quốc là sàn Thượng Hải và sàn Thâm Quyến) đã duy trì liên tục trên mức 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154,56 tỷ USD).

Đáng chú ý, hôm 1/9, khối lượng giao dịch hàng ngày đạt mức kỷ lục trong năm 1,71 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo Wind Information. Con số này gấp đôi khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong hai năm qua là 840 tỷ nhân dân tệ. Trong ngày, chỉ riêng khối lượng giao dịch trong chỉ số Shanghai Composite đã lên tới 842,2 tỷ nhân dân tệ, cao nhất kể từ tháng 7/2015, thời điểm Trung Quốc chứng kiến làn sóng đầu cơ tăng vọt 6 năm về trước.

6 năm sau, nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán, nhưng động lực đã thay đổi. Nguyên nhân chính là các đợt siết chặt quy định gắt gao của chính phủ trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục. Mới đây nhất, chính phủ của ông Tập Cận Bình đã đưa ra thông điệp cơ bản về sự “thịnh vượng chung” - thuật ngữ đã nổi lên như một chủ đề cơ bản của các cuộc thảo luận chính trị gần đây ở Trung Quốc và thường được hiểu là sự giàu có vừa phải cho tất cả mọi người, thay vì chỉ một số ít cá nhân trong nền kinh tế. Ting Lu, nhà kinh tế trưởng các vấn đề Trung Quốc tại Nomura nhận định mục tiêu “thịnh vượng chung” của chính phủ Bắc Kinh sẽ tác động mạnh mẽ nhất đến lĩnh vực bất động sản.

Khối lượng giao dịch tại TTCK Trung Quốc tăng kỷ lục khi Bắc Kinh giám sát lĩnh vực BĐS và tiền ảo - Ảnh 1.

Tiền đổ vào TTCK Trung Quốc tăng kỷ lục khi Bắc Kinh siết chặt giám sát BĐS và tiền ảo (Ảnh: Getty Images)

Thực tế, giá nhà tại Trung Quốc tăng cao trong vài thập kỷ qua đã thu hút một làn sóng đầu cơ đáng kể, tạo áp lực lớn cho các gia đình khi họ tìm cách mua nhà trong những khu vực trung tâm, gần nơi làm việc, gần công sở hoặc trường học. Các nhà chức trách Trung Quốc trong vài năm qua đã nhấn mạnh rằng “nhà để ở chứ không phải đầu cơ” và tìm cách hạn chế những dự án xây mới nhà ở của các chủ đầu tư có mức nợ cao.

“Thị trường có thể đã tập trung quá mức vào việc Bắc Kinh siết chặt quy định trong các lĩnh vực như công nghệ mà quên rằng chính phủ cũng đang nhắm mục tiêu đến lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực đóng góp 1/4  trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng và khoảng 50% động lực của ngành xây dựng toàn cầu nói chung” - ông Ting Lu cho biết trong một báo cáo. “Giờ đây, đã đến lúc các thị trường chuẩn bị cho sự suy giảm tăng trưởng tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến cũng như áp lực từ gánh nặng nợ khổng lồ và sự hỗn loạn tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán”.

Năm 2018, khoảng 65% tài sản hộ gia đình Trung Quốc là bất động sản, theo Noah Research. Con số này lớn hơn rất nhiều tỷ lệ 49% ở Mỹ. Điều này có nghĩa khi thị trường bất động sản đã không còn thu hút được nhà đầu tư, dòng vốn đổ vào cổ phiếu sẽ là rất lớn. ″Đầu cơ vào bất động sản chắc chắn không còn thích hợp nữa” - Schelling Xie, nhà phân tích cấp cao tại Stansberry China cho hay. “Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng thắt chặt lệnh cấm giao dịch tiền điện tử trong năm nay. Vậy số tiền sẽ đi về đâu?”.

Ông Schelling Xie kỳ vọng sẽ có dòng vốn lớn hơn đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có xu hướng giảm tốc khiến nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục - thị trường lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ - đã tăng trưởng đáng kể kể từ sau vụ vỡ bong bóng năm 2015 đến nay. 

Sự quan tâm của nhà đầu tư tăng cao đã ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc theo những cách khác nhau. Tuần này, Shanghai Composite đang đi đúng hướng với mức tăng hơn 2%, trong khi Shenzhen Composite ít thay đổi và còn Star 50 giảm hơn 5%. Nguyên nhân chủ yếu là sàn Star thiên về các cổ phiếu công nghệ, vốn là những doanh nghiệp chịu áp lực lớn nhất trong chiến dịch siết chặt quản lý gần đây của chính phủ Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục