Dow Jones tương lai tụt 1.200 điểm vì nguy cơ chiến tranh giá dầu và diễn biến tồi tệ của dịch virus corona
Tính đến 2 giờ sáng 9/3, trên sàn chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones tương lai giảm 1.236 điểm, ám chỉ mức lỗ 1.284,78 điểm trong những giờ đầu mở cửa phiên giao dịch. S & P 500 và Nasdaq Composite tương lai cũng phản ánh những mức lỗ đáng kể sau một tuần đầy sóng gió vừa qua.
Trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào tài sản an toàn bao gồm vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ, qua đó đẩy lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm xuống dưới 0,5%, giao dịch ở mức thấp kỷ lục 0,4992%.
Vàng, một tài sản an toàn khác, đã vượt đỉnh 1.700 USD/oz, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2012.
Công cụ đo lường FedWatch của CME Group chỉ ra rằng các nhà đầu tư kỳ vọng 80% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,75% trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới. Trước đó, FED đã cắt giảm khẩn cấp 0,5% lãi suất để trấn an thị trường trong bối cảnh nỗi hoang mang về hệ quả kinh tế của dịch virus corona ngày càng lan rộng trên thị trường.
Arab Saudi hôm 7/3 vừa tuyên bố giảm giá dầu thô tháng 4 trong một bước ngoặt bất ngờ đi ngược lại nỗ lực cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng, bảo vệ giá dầu mà OPEC theo đuổi trước đó. Động thái được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng dầu của OPEC với các nước đồng minh gồm Nga sụp đổ. Thêm vào đó, thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ ngày mà OPEC+ nhất trí cũng sắp kết thúc vào cuối tháng 3 này mà không được gia hạn. Như vậy, kể từ tháng 3, các nước xuất khẩu dầu mỏ có thể sản xuất bao nhiêu sản lượng tùy ý mà “không cần quan tâm đến hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng”, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga.
Giá dầu Brent tương lai vừa giảm mạnh 29,07% xuống 32,11 USD / thùng sau phiên giảm hơn 30% trước đó. Giá dầu WTI ngọt nhẹ tương lai giảm 30,98% xuống còn 28,49 USD / thùng.
Song song với nguy cơ bùng nổ chiến tranh giá dầu, những diễn biến xấu của dịch virus corona là nguyên nhân khiến thị trường lo ngại. Tính đến sáng 9/3, toàn cầu hiện có hơn 109.000 ca nhiễm virus corona và hơn 3.800 ca tử vong. Riêng tại Mỹ, các ca nhiễm virus corona đang tăng lên đáng kể. New York, California và Oregon đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trước tình hình nghiêm trọng như vậy, Tổng thống Donald Trump hôm 6/3 đã ký dự luật phân bổ 8,3 tỷ USD ngân sách để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu y tế nhằm phát triển vaccine chống virus corona và kiểm soát dịch bệnh. Nhưng điều phố Wall mong chờ giờ đây là các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ ngân hàng trung ương vào hệ thống tài chính để ngăn chặn viễn cảnh suy thoái kinh tế.
Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã giảm 8% sau tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hồi cuối tháng 2. Thị trường vẫn đang biến động mạnh mẽ, các chỉ số chính có nguy cơ tiếp tục rơi vào vùng điều chỉnh.