Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần chuyển đổi hơn 1.400ha đất rừng
Diện tích đất rừng phải chuyển đổi tăng 350 ha
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, đến ngày 20/3/2023, tổng diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khoảng hơn 1.404ha, tăng gần 350ha so với Nghị quyết số 273 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ GTVT liệt kê chi tiết các dự án có diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng tăng thuộc 5 tỉnh gồm: Quảng Bình (hơn 182ha ở 2 dự án là đoạn Vũng Áng - Bùng tăng hơn 45ha, Bùng - Vạn Ninh tăng hơn 72ha, Vạn Ninh - Cam Lộ tăng hơn 65ha), Quảng Ngãi (tăng gần 20ha nằm ở dự án đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn), Bình Định (tăng hơn 63ha ở 3 dự án gồm đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn tăng gần 32ha, Quy Nhơn - Chí Thạnh tăng hơn 39ha, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn diện tích rừng cần chuyển đổi giảm gần 7,8ha), Phú Yên (tăng 81ha), Khánh Hòa (tăng hơn 3ha).
Thông tin về việc diện tích đất rừng phải chuyển đổi để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam tăng là do bước lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật cập nhật số liệu địa hình, địa chất, thủy văn, xác định chính xác hướng tuyến, ranh giới, phạm vi chiếm dụng của dự án.
Bộ GTVT cho biết, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các địa phương mới phê duyệt phần diện tích theo Nghị quyết số 273, chưa phê duyệt phần diện tích rừng tăng thêm, phần diện tích nằm ngoài phạm vi ranh giới đã được điều tra, đánh giá cũng như phần diện tích rừng các đoạn điều chỉnh hướng tuyến. Công tác phê duyệt chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng.
Để thực hiện dự án, Bộ GTVT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương về thẩm quyền, thủ tục, trình tự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với phần diện tích rừng tăng thêm, diện tích phát sinh ngoài phạm vi ranh giới được điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 273.
Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác tổ chức thực hiện.
Huy động thiết bị, máy móc
Đến nay, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Cục quản lý chuyên ngành, Sở GTVT các địa phương và các Ban QLDA tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện hợp đồng các dự án xây dựng công trình giao thông; Chỉ đạo về công tác quản lý hợp đồng, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến vấn đề huy động nhân lực, máy móc của nhà thầu.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu xây lắp phải cung cấp thông tin và đăng ký với chủ đầu tư, tư vấn giám sát về nhân sự, thiết bị, máy thi công huy động đến công trường đảm bảo phù hợp với đề xuất trong hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất.
"Việc thay thế nhân sự, thiết bị, máy móc chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận; nhân sự, thiết bị thay thế phải đảm bảo tương đương hoặc tốt hơn nội dung đã đề xuất", Bộ GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra việc huy động, giải thể nhân sự, thiết bị, máy móc thi công của nhà thầu theo từng giai đoạn thi công đồng thời, đề nghị các nhân sự trong bộ máy quản lý, điều hành công trường của nhà thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm.
Nhà thầu cũng phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, biện pháp tổ chức thi công, xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết các hạng mục chính trên công trường đảm bảo khoa học, khả thi ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án/gói thầu.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tư vấn phải quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án.
Tư vấn giám sát có trách nhiệm huy động, bố trí đầy đủ nhân sự theo quy định của hợp đồng, tổ chức giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường.