Dữ liệu GDP quý II phản ánh sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc

16/07/2021 17:59 GMT+7
Số liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại trong quý II khi hoạt động sản xuất giảm tốc, chi phí sản xuất tăng lên và những đợt bùng phát mới dịch Covid-19 tại một số địa phương gây áp lực lên đà tăng trưởng.

Dữ liệu chính thức mà Bắc Kinh công bố cho tăng trưởng GDP trong quý II/2021 của Trung Quốc đạt 7,9%, thấp hơn mức dự báo 8,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Reuters.

Mức tăng trưởng giảm tốc đáng kể so với con số kỷ lục 18,3% mà Trung Quốc ghi nhận hồi quý I, một phần do sự sai lệch trên cơ sở dữ liệu GDP hàng năm. Cụ thể, mức tăng trưởng quý I/2021 được tính dựa trên so sánh với quý I/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc buộc chính phủ đóng cửa hầu hết các tỉnh thành, khiến nền kinh tế gần như tê liệt. So với quý II/2020, thời điểm Trung Quốc dần mở cửa trở lại nền kinh tế, con số tăng trưởng quý II/2021 không phản ánh mức tăng trưởng đột phá như vậy.

Xét trên cơ sở GDP hàng quý, tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 1,3% so với quý liền trước, vượt qua mức dự báo 1,2% trong cuộc thăm dò của Reuters.

Dữ liệu GDP quý II phản ánh sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Dữ liệu GDP quý II phản ánh sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS cũng cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này đã tăng 8,3% trong tháng 6 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 8,8% trong tháng 5. Doanh số bán lẻ tháng 6 cũng ghi nhận mức tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Sự phục hồi kinh tế trong nước không đồng đều" - nhận định của bà Liu Aihua, một quan chức NBS. “Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng dịch bệnh trên toàn cầu đang tiếp tục diễn biến phức tạp”.

Nhà kinh tế Woei Chen Ho từ UOB nhận định: “Dữ liệu tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường nhưng cá nhân tôi cho rằng đà tăng vẫn mạnh mẽ… Mối quan tâm lớn hơn của chúng tôi lúc này là xu hướng phục hồi không đồng đều mà chúng ta đã chứng kiến cho đến nay. Đối với Trung Quốc, sự phục hồi tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Đà tăng doanh số bán lẻ trong tháng này khá mạnh, điều này có thể làm mờ đi một số quan ngại”.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận tốc độ phục hồi mạnh mẽ hậu khủng hoảng đại dịch Covid-19, được thúc đẩy bởi kim ngạch xuất khẩu tăng vọt và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây đang cho thấy sự suy yếu của động lực tăng trưởng. Nguyên nhân được cho là do chi phí nguyên liệu sản xuất tăng vọt khi nguồn cung thiếu hụt, thêm vào đó là một số đợt bùng phát ổ dịch Covid-19 nhỏ gây áp lực lên tâm lý tiêu dùng.

Dữ liệu do NBS công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 tăng nhanh hơn dự báo, nhưng một quan chức hải quan cảnh báo tăng trưởng kim ngạch thương mại tổng thể có nhiều khả năng chậm lại trong nửa cuối năm nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc đạt 8,6%, mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây và vượt xa mức mục tiêu hơn 6% mà Bắc Kinh đặt ra hồi đầu năm nay.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đầu tuần này nhấn mạnh Trung Quốc sẽ thận trọng trong việc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các nhà quan sát dự báo Bắc Kinh vẫn sẽ đưa ra nhiều hỗ trợ trong năm nay, chẳng hạn như tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong quý IV.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5% với tất cả các ngân hàng từ ngày 15/6 tới đây. Động thái này dự kiến sẽ đưa thêm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ thanh khoản (tương đương 154 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn.

RRR là lượng tiền dự trữ mà các ngân hàng được quy định phải duy trì trong kho bạc trên tổng lượng tiền gửi nói chung. Việc cắt giảm RRR sẽ giúp ngân hàng tăng cung tiền cho vay với doanh nghiệp, cá nhân.


NTTD
Cùng chuyên mục