Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, 154 tỷ USD thanh khoản sắp tràn vào nền kinh tế

13/07/2021 11:55 GMT+7
Theo ngân hàng đầu tư UBS, việc Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng có thể là tin tốt lành với thị trường chứng khoán.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5% với tất cả các ngân hàng từ ngày 15/6 tới đây. Động thái này dự kiến sẽ đưa thêm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ thanh khoản (tương đương 154 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn.

RRR là lượng tiền dự trữ mà các ngân hàng được quy định phải duy trì trong kho bạc trên tổng lượng tiền gửi nói chung. Việc cắt giảm RRR sẽ giúp ngân hàng tăng cung tiền cho vay với doanh nghiệp, cá nhân.

Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, 154 tỷ USD thanh khoản sắp tràn vào nền kinh tế - Ảnh 1.

Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, 154 tỷ USD thanh khoản sắp tràn vào nền kinh tế (Ảnh; Reuters)

Các nhà phân tích Lei Meng và Eric Lin của UBS nhận định việc cắt giảm RRR trên diện rộng của PBoC có thể thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn và cải thiện tính thanh khoản, qua đó hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán.

Trong ngắn hạn, động thái này sẽ tác động tích cực lập tức đến các lĩnh vực nhạy cảm với thanh khoản như hàng không vũ trụ, quốc phòng, điện tử, CNTT và truyền thông, theo UBS. Các lĩnh vực công nghệ xe điện, pin, năng lượng tái tạo cũng có khả năng vượt trội.

Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường chứng khoán có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn do thị trường quan ngại về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc.

Các nhà phân tích của UBS nhận định: “Việc cắt giảm RRR ở một mức độ nào đó đã làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư rằng đà phục hồi kinh tế trong quý II và III năm nay có thể không tốt như kỳ vọng thị trường. Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp (PBoC) không nới lỏng chính sách tiền tệ, lượng thanh khoản bổ sung này sẽ không thể thúc đẩy sự phục hồi bền vững của thị trường”.

Quan ngại về đà phục hồi kinh tế suy yếu có thể gây áp lực lên cổ phiếu hàng loạt lĩnh vực như ngân hàng, tiêu dùng và bảo hiểm.

Trước đó, trong cuộc họp vào đầu tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc bất ngờ gợi ý Ngân hàng Trung ương sẽ gia tăng kích thích cho nền kinh tế thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng.

Nhận định về động thái này, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang từ Pinpoint Asset Management nhận định: “Tôi nghĩ chính sách này báo hiệu kinh tế Trung Quốc có thể đã tăng trưởng giảm tốc trong tháng 6”. Theo ông Zhang, các nhà hoạch định chính sách có thể đã nắm được các dữ liệu kinh tế vĩ mô cơ bản như doanh số bán lẻ trong tháng 6 trước khi đưa ra quyết định chính sách như vậy.

Dữ liệu kinh tế tháng 6 cũng như tăng trưởng GDP quý II/2021 của Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối tuần tới. Nhưng các nhà đầu tư đã nhận thấy một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng giảm tốc.

Chẳng hạn, đầu tuần này, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự báo doanh số bán xe du lịch trong tháng 6 sẽ chứng kiến mức giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu ý doanh số bán xe là một trong những yếu tố cốt lõi đóng góp vào doanh số bán lẻ của đất nước.

Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) là vào tháng 4/2020, thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với hậu quả từ các biện pháp phong tỏa quốc gia, hạn chế kiểm dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm.


NTTD
Cùng chuyên mục