Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Vốn chồng vốn vẫn chậm tiến độ
11 năm ròng rã, đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được coi là một đại dự án giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nhiều năm qua của thủ đô Hà Nội. Đây là dự án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Với tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc, sau đó được điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.230 tỷ đồng, tương đương trên 205%).
Mục tiêu ban đầu đặt ra, tháng 6/2014 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình, đến 30/6/2015 sẽ chính thức đưa vào khai thác. Sau đó, dự án đã điều chỉnh tiến độ 4 lần do vướng mặt bằng, ngừng thi công vì xảy ra tai nạn lao động hay xác định lại tổng mức đầu tư và đợi nguồn vốn vay. Thời gian đưa vào khai thác lùi tới đầu năm 2016.
Đầu năm 2016, Bộ GTVT và tổng thầu thống nhất khai thác sử dụng tuyến đường sắt vào cuối tháng 12/2016. Tiếp theo, mốc thời gian lại được lùi sang đầu năm 2017.
Đến tháng 2/2017, dự án tiếp tục chốt tới tháng 10/2017 chạy thử, đầu quý II/2018 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau đó dự án này vẫn tiếp tục bị lùi tiến độ vận hành thử nghiệm tới tháng 9/2018 và sẽ vận hành vào tháng 4/2019. Thế nhưng, tới mãi cuối tháng 4, dự án này vẫn chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Bộ GTVT báo cáo đã hoàn thành tới 99% khối lượng xây lắp; riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong 2019. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là tiến độ 1% còn lại không biết bao giờ sẽ hoàn thành xong, trong khi năm 2019 đã đi qua được một nửa. Liệu rằng dự án này có tiếp tục lùi tiến độ nữa hay không?
Bộ GTVT cần nghiêm túc đánh giá
Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án phải thực hiện theo thiết kế tổng thể. Nhưng vì chậm tiến độ thì Bộ GTVT sau khi chậm lại cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần.
ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
Cơ quan quản lý tự đưa giải pháp đối với dự án, thực hiện chắp vá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và vấn đề rủi ro chất lượng. “Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần nghiêm túc đánh giá”, ông Tiên nhấn mạnh.
Trả lời về kết quả kiểm toán dự án, ông Trần Hải Đông, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 5 phân tích, dự án có 2 vấn đề là đội vốn và chậm tiến độ.
Về đội vốn, nguyên nhân là do trong quá trình lập dự án chưa được nghiên cứu kỹ, dẫn đến khi thực hiện thì thay đổi phương án đã làm tăng chi phí; bàn giao mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện kéo dài khiến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao, tăng tổng mức đầu tư.
Khi điều chỉnh mức đầu tư lên 18.000 tỷ đồng chủ đầu tư chưa báo cáo lãnh đạo Chính phủ để xin chủ trương Quốc hội. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng thì phải báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, chi phí vận hành cũng chưa được xem xét mặc dù đây là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong khi khai thác sử dụng.
Về chậm tiến độ, các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành chính sách như chủ đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở tài chính... do đây là dự án mới. Hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt dẫn tới thời gian thiết kế thẩm tra điều chỉnh nhiều lần.
Ngoài ra, quá trình lập dự án đầu tư có một số hạn chế nên phê duyệt điều chỉnh dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm 1-5 tháng. Tổng thầu thực hiện dự án được chỉ định trực tiếp từ Hiệp định khung từ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, khi thực hiện, dự án phụ thuộc nhiều vào vốn và tổng thầu của đối tác…