Sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM mới tiềm năng thu hút đầu tư bất động sản
Sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM mở rộng địa giới hành chính
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc sáp nhập tỉnh, thành để tạo ra địa phương mới như TP.HCM chính là sự giải thoát cho thành phố cũ, bởi TP.HCM hiện gặp vấn đề ngập lụt và đang bị nén lại.
Đặc biệt, với việc sở hữu 14 khu công nghiệp trong lòng thành phố, TP.HCM chịu sự tắc nghẽn. Do vậy, việc mở rộng không gian phát triển sẽ tạo triển vọng cho phát triển đô thị mới của thành phố.
Ông Thiên nhấn mạnh, việc mở rộng không gian địa lý đã rất rõ ràng. Riêng cơ cấu kinh tế sẽ được thiết kế lại sau khi sáp nhập, nhất là không gian hướng biển sẽ tạo thế mở. Đặc biệt, 3 tọa độ khi hợp lại thành một đều vươn lên tầm cao mới, đi đầu cả nước. Đây là một điểm rất tuyệt vời sau khi sáp nhập.
"Lâu nay chúng ta có khái niệm "đi Bình Dương", tức là sự dịch chuyển rất lớn. Đến nay, với cấu trúc mới vẫn cốt chỉ là "đi Bình Dương", phía Tây dịch chuyển lên miền Đông do thách thức ở khu vực miền Tây lớn nên buộc phải di chuyển. Như vậy, cơ hội nhìn thấy ở đây là tạo sự dịch chuyển dân cư đáng kể. Đây cũng là điểm rất đáng lưu ý. Tôi cho rằng, khu vực Đông Bắc có công thức đô thị khác hẳn so với Bà Rịa - Vũng Tàu hay TP.HCM cũ. Vì vậy, khu vực này đã tạo ra sức hấp dẫn riêng. Từ đó, chúng ta cần định nghĩa lại cấu trúc riêng của phía Đông Bắc", ông Thiên chia sẻ.

Kể từ ngày 1/7/2025, với việc vận hành mô hình chính quyền đô thị 2 cấp và chính thức hợp nhất không gian phát triển giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Với quy mô hơn 6.700km2, hơn 14 triệu dân, GRDP gần 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 1/4 ngân sách quốc gia, siêu đô thị TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà còn là trung tâm kết nối với mạng lưới các đô thị hiện đại toàn cầu.
Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc kết nối 3 vùng đô thị đặc trưng này đã mở ra một không gian liên vùng quy mô lớn, nơi mà phát triển không còn là mở rộng đơn thuần, mà là tái cấu trúc, tích hợp, điều phối và vận hành hiệu quả trên nền tảng đô thị mới.
"Trong dòng chuyển động lớn ấy, Đông Bắc TP.HCM, khu vực từng là phần lõi phát triển của tỉnh Bình Dương cũ đang vươn lên trở thành một trong những "ngôi sao sáng" của thị trường bất động sản phía Nam. Đông Bắc TP.HCM không chỉ mang dáng dấp của một Bình Dương năng động, mà còn là phiên bản tích hợp hơn, mang đậm tính đô thị, dịch vụ, hiện đại và đáng sống", ông Toan nhận định.
TP.HCM mới trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ở góc độ quy hoạch, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sự tích hợp sẽ tạo ra mô hình đa trụ cột để phát triển TP.HCM, thành phố toàn cầu trong tương lai.
"Cũng chính vì mô hình đa trụ cột này, chúng ta có thể thấy các cực tăng trưởng của TP.HCM mới cần có điều chỉnh quy hoạch tổng thể mới sau khi sáp nhập tỉnh, thành. Nhìn vào cơ hội, thách thức, TP.HCM có vai trò vị thế rất lớn đối với Việt Nam và cả quốc tế. Vì vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chắc chắn nay mai sẽ phải điều chỉnh. Trên nền tảng bước vào giai đoạn phát triển mới, tính kế thừa, tiềm năng lợi thế, động lực này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu để phát triển với tư duy mới", ông Quảng nhận định.
Theo ông Quảng, trước đây, vùng kinh tế cũ có trục hành lang phát triển mạnh như: Trục phía Đông Nam gắn với quốc lộ 51, sắp tới sẽ có cao tốc; Trục phía Đông có quốc lộ 1; Trục phía Đông Bắc có quốc lộ 13 gắn với Bình Dương; Trục Tây Bắc gắn với quốc lộ 22 và 22B.
Ngoài ra, vùng kinh tế này cũng gắn với các vành đai, đường sắt, đường thủy, sân bay… Như vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát triển rất tốt với giao thông quốc tế mạnh, khu công nghiệp công nghệ cao, nhiều luật liên quan đến đổi mới sáng tạo, công trình xanh…

Về phía Đông Bắc, tập trung về Bình Dương cũ, khu vực này thời gian qua phát triển rất tốt, là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Khi gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là với TP.HCM cũ, Bình Dương có vai trò vị trí rất khác biệt. Trong đó, tập trung vào khu vực Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một… để phát triển công nghiệp, dịch vụ, tài chính… gắn với các trung tâm đầu mối và hạ tầng kết nối khác.
Còn theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản việt Nam, thị trường bất động sản Bình Dương cũ trước đây phần lớn phục vụ nhu cầu nhà ở của cư dân tại chỗ, trong khi kỳ vọng của giới đầu tư lại chủ yếu hướng về tệp khách hàng đến từ TP.HCM. Tuy nhiên, giữa 2 địa phương vẫn tồn tại sự tách biệt nhất định, cần có sự phối hợp, thống nhất trong định hướng phát triển và khai thác thị trường.
"Nay khi TP.HCM và Bình Dương đã quy về một mối, trở thành một khối nội vùng, đây là một lợi thế rất lớn cho Bình Dương cũ. Sự hợp nhất này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, điều phối nguồn lực mà còn mở ra cơ hội tái định vị thị trường bất động sản tại khu vực này", ông Doanh nhận định.
Cũng theo ông Doanh, trước đây, dù được xem là một thị trường lớn, nhưng bất động sản Bình Dương vẫn mang tính chất của một thị trường ngách, bởi phần lớn sản phẩm được phát triển để "nhìn ra ngoài", chưa thực sự phục vụ tại chỗ, và nhà đầu tư còn nhiều dè dặt.
"Nhưng giờ đây, khi thị trường được đặt vào tầm của một siêu đô thị, nằm trong hệ sinh thái mở rộng của TP.HCM thì vị thế đã hoàn toàn khác. Có thể nói ngắn gọn là "thị trường giá ngách nhưng vị thế của một siêu đô thị", ông Doanh chia sẻ.