FLC của ông Trịnh Văn Quyết lãi vỏn vẹn 21 tỷ đồng 6 tháng đầu năm

31/07/2019 18:13 GMT+7
CTCP Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với lợi nhuận 21 tỷ đồng và chỉ thực hiện được khoảng 21% mục tiêu lợi nhuận đề ra của cả năm 2019. Trong khi đó, nợ phải trả của FLC gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) của ông Trịnh Văn Quyết vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với doanh thu thuần 3.255 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn từ mức 2.640 tỷ đồng lên 3.306 tỷ khiến cho lợi nhuận gộp của FLC âm xấp xỉ 51 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái tập đoàn này lãi trên 347 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý II chỉ đạt 13 tỷ đồng

Điểm sáng trong kỳ đến từ hoạt động tài chính khi khoản mục này mang về cho FLC gần 729 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ nhích nhẹ thêm 11% so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt là 26 tỷ và 104 tỷ đồng so với cùng kỳ.

flc cua ong trinh van quyet bao lai 21 ty dong trong 6 thang dau nam hinh anh 1

Doanh thu hoạt động tài chính đột biến đã giúp Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết thoát lỗ trong quý này và ghi nhận lợi nhuận thuần 102 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 79 tỷ và lãi ròng trên 13 tỷ đồng, giảm 48% so với quý II năm ngoái. Cùng kỳ năm ngoái FLC của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận khoản lãi ròng lên tới 25,4 tỷ đồng.

flc cua ong trinh van quyet bao lai 21 ty dong trong 6 thang dau nam hinh anh 2

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC báo lãi 21 tỷ đồng, giảm đến 79% so với mức lãi ròng 103 tỷ của cùng kỳ năm 2018.

Nếu so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, FLC của ông Trịnh Văn Quyết mới chỉ thực hiện được khoảng 21% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2019.

Trong kỳ, các chỉ tiêu trong kỳ như doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và lợi nhuận khác đều tăng trưởng so với nửa đầu năm ngoái. Ngược lại, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh từ 6,8 tỷ xuống chỉ còn vỏn vẹn 374 triệu đồng.

Theo thuyết minh của báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay FLC có doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.040 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 744 tỷ đồng. Chênh lệch này chủ yếu đến từ khoản mục lãi bán các khoản đầu tư trị giá 778 tỷ đồng.

flc cua ong trinh van quyet bao lai 21 ty dong trong 6 thang dau nam hinh anh 3

Một điểm đáng chú ý khác là báo cáo tài chính riêng quý II của Tập đoàn FLC thể hiện công ty mẹ có lợi nhuận gộp 118 tỷ đồng và lãi ròng 264 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất hiển thị lỗ gộp và lãi ròng vỏn vẹn 13 tỷ đồng. Quý I/2019, kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC cũng có diễn biến tương tự. Lợi nhuận sau thuế riêng đạt 249 tỷ đồng, tăng đột biến 185% so với cùng kỳ 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại vỏn vẹn 8 tỷ đồng, giảm 92%.

Điều này cho thấy ít nhất một trong số các công ty con của Tập đoàn FLC đang làm ăn thua lỗ, dẫn tới kéo tụt kết quả kinh doanh toàn tập đoàn. Nhiều khả năng Bamboo Airways cũng chính là nhân tố khiến kết quả quý II của FLC tiếp tục kém khởi sắc bởi trước đó tại đại hội đồng cổ đông của FLC tháng 6 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay công ty con của Tập đoàn là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đang trong giai đoạn tập trung đầu tư một cách tổng lực.

flc cua ong trinh van quyet bao lai 21 ty dong trong 6 thang dau nam hinh anh 4

Theo ông Trịnh Văn Quyết, mặc dù chỉ mới khai thác 10 tàu bay nhưng Bamboo Airways đang phải nuôi bộ máy 30 tàu bay, bao gồm cả thuê tàu, đặt mua, nhà xưởng, nhân sự... để chuẩn bị về nhân sự, khả năng vận hành trong thời gian tới.

Mới đây, Bộ GTVT đã chấp thuận cho FLC được khai thác tổng cộng 30 tàu bay sau quá trình 5 tháng vận hành khai thác 10 tàu bay an toàn. Tuy nhiên, hiện FLC đang phải bù lỗ để duy trì bộ máy này cho đến khi có lợi nhuận.

 “Nhưng ngay từ hiện tại chúng tôi đã phải chuẩn bị tài chính để duy trì đầy đủ bộ máy nhân sự từ phi công, tiếp viên… cho đến hạ tầng kỹ thuật cho khoảng 30 – 40 máy bay. Chuẩn bị kỹ như vậy mới đảm bảo duy trì được tỷ lệ lấp đầy, tỷ lệ bay đúng giờ chất lượng như hiện tại”, Chủ tịch FLC giải thích và cho biết với sự chuẩn bị chu đáo này, dự kiến từ cuối năm 2019 hoặc quý I năm 2020 Bamboo Airways sẽ ghi nhận lợi nhuận tích cực với đội máy bay mới được bổ sung và vận hành theo đúng kế hoạch.

Nợ phải trả lên hơn 18,4 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tài chính của FLC cũng cho thấy, tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối tháng 6 là 27.497 tỷ đồng, tăng so với gần 26.000 tỷ hồi đầu năm và tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn.

Trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn bao gồm đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và đầu từ góp vốn vào các đơn vị khác của FLC giảm gần 3 lần so với đầu kỳ, chỉ còn 320 tỷ đồng. Đây có lẽ là lý do khiến cho khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 của doanh nghiệp.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của FLC lên tới 18.462 tỷ đồng, tăng 1.591 tỷ đồng so với đầu năm và gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Trong đó nợ vay và thuê tài chính chiếm 64% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

flc cua ong trinh van quyet bao lai 21 ty dong trong 6 thang dau nam hinh anh 5

Riêng nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng 718 tỷ đồng và nợ vay và thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ 41 tỷ đồng. Điều này đã đẩy lãi vay của FLC lên 260 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng gần 100 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Chủ nợ lớn nhất của FLC là BIDV, trong đó vay dài hạn tại BIDV chi nhánh Sơn Tây lên tới 1.578 tỷ đồng; vay ngắn hạn chi nhánh Quy Nhơn gần 400 tỷ đồng.

Lê Thúy (Dân Việt)
Cùng chuyên mục