"Gã khổng lồ" Amazon chơi bạo, ông lớn thương mại điện tử Việt lao đao
Cuộc chiến thị phần nhìn từ Amazon
Với việc quản lý hơn kho hàng khổng lồ với hơn 92 triệu sản phẩm, "gã khổng lồ" thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon đang chú trọng đẩy mạnh đầu tư cho chi phí logistics bao gồm các xe tải chuyển hàng chuyên dụng, các trung tâm vận hành và cả mạng lưới máy bay vận tải hàng không. Việc gia tăng chi tiêu vào các chi phí logistics giúp Amazon đảm bảo tốc độ giao hàng và khả năng cung ứng sản phẩm, giảm thời gian giao hàng xuống còn một ngày để giữ chân khách hàng.
Năm 2015, Amazon đã có kế hoạch xây dựng mạng lưới vận chuyển hàng hóa bằng máy bay nhằm kiểm soát lịch trình và chi phí khi giao hàng. Năm 2016, hãng đã hợp tác với Atlas Air Worldwide Holdings cho ra mắt những chiếc máy bay Boeing 767-300 cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không đầu tiên của nội địa Mỹ. Với giá chi phí thuê một máy bay trong vòng 1 tháng là 600.000 USD đến 650.000 USD, Amazon phải đầu tư khoảng 156 triệu USD cho mảng vận chuyển hàng hóa. Con số này vẫn thấp hơn nhiều lần so với việc Amazon phải chi trả gần chục tỷ USD cho việc vận chuyển vận chuyển hàng năm.
Chi phí vận chuyển trên toàn thế giới của Amazon tăng gấp 15 lần từ năm 2009 đến 2018. Theo kết quả kinh doanh quý III/2019, chi phí giao hàng nói chung của Amazon tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018 lên 9,6 tỷ USD. Trung bình, chi phí cho dịch vụ giao hàng một ngày mà Amazon phải chi trả là khoảng 1,5 tỷ USD. Doanh thu quý III tăng 24% đạt 70 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Amazon cho biết hãng sẽ có 70 máy may vận chuyển hàng hóa đến năm 2021 để thực hiện lời hứa giao hàng trong một hoặc hai này. Mục tiêu của việc tạo dựng kênh vận chuyển hàng không là để thay thế, giảm tình trạng chậm giao hàng và hạn chế sự phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển phát hàng không thuê ngoài như USPS, FedEx và UPS. Là khách hàng lớn của các công ty vận tải như USPS, UPS, có khả năng trong tương lai Amazon sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trong thị trường vận chuyển hàng hóa. FedEx hồi tháng 8 vừa qua cũng đã xác nhận chấm dứt hợp đồng với Amazon do Amazon đang tập trung vào việc xây dựng mạng lưới giao hàng của riêng mình.
Tại Việt Nam, với chi phí xây dựng tốn kém, dịch vụ logistics phát triển không tương xứng với ngành thương mại điện tử đang là một yếu tố cản trở sự phát triển của tốc độ giao nhận hàng hóa. Mặc dù chưa nhảy vào lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không nhưng các "ông lớn" thương mại điện tử Việt Nam đang tìm cách nâng cao hệ thống vận hành và vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh nhất.
Báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam quý III do iPrice Insights công bố cho thấy các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục đánh dấu những dấu hiệu tích cực khi giữ vững được số lượng người truy cập. Trong đó, Shopee là sàn thương mại điện tử đứng đầu với lượng truy cập website đạt 34,6 triệu lượt. Tiki xếp sau với 27,1 triệu lượt truy cập website mỗi tháng và Lazada là 24,4 triệu lượt truy cập. Kết quả xếp hạng cho thấy nhu cầu mua sắm online tăng mạnh của người tiêu dùng Việt Nam, ngoài ra cũng cho thấy các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Lỗ vài nghìn tỷ, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt sẽ ra sao?
Cuộc chạy đua về thời gian giao nhận hàng hóa giữa các công ty thương mại điện tử khổng lồ ở Việt Nam cũng tốn kém và ngày càng khốc liệt hơn. Đơn cử như Tiki, với hơn 100.000 sản phẩm có thể giao trong 2 giờ, Tiki dẫn đầu các sàn thương mại điện tử Việt Nam về số sản phẩm có thể giao nhanh. Để giải quyết nhu cầu thời gian và tốc độ giao hàng, Tiki đã lựa chọn việc hợp tác với các công ty vận chuyển hàng như Giao Hàng Nhanh. Riêng phục vụ cho mảng thương mại điện tử ở những thành phố lớn, bình quân tốc độ giao hàng của GHN khoảng từ 12 tiếng đến 14 tiếng trong một ngày. Với các đơn hàng giao toàn quốc, GHN có thể giao từ 24 tiếng đến 36 tiếng.
Trong khi đó, Lazada E-Logistics công bố sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để cung cấp các dịch vụ giao nhận cho nhiều công ty. Bằng việc áp dụng dịch vụ chuyển pháp P2P trong 2 giờ với các đối tác tại TP.HCM và Hà Nội, Lazada triển khai dịch vụ hỏa tốc giúp giao hàng nhanh và thuận tiện.
Sức nóng từ "miếng bánh" tỷ USD khiến cho các doanh nghiệp thương mại điện tử phải thực sự có tiềm lực tài chính mới có thể "sống sót" trong cuộc chơi "đốt tiền". Mặc cho các khoản lỗ lên tới nghìn tỷ đồng, các "ông lớn" thương mại điện tử vẫn mạnh tay chịu chi cho các chương trình khuyến mãi, chi phí logistics, kho bãi vận chuyển hàng hóa,... nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Tính đến năm 2018, lỗ lũy kế của Lazada lên tới hơn 5.300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, Lazada lỗ 2.150 tỷ đồng. "Ông lớn" Shopee cũng lỗ không kém trong cuộc đua "đốt tiền" với khoản lỗ lũy kế hơn 2.700 tỷ đồng, khoản lỗ năm 2018 là 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng lỗ lũy kế các năm qua của Tiki lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, khoản lỗ năm 2018 là 760 tỷ đồng.
Dựa theo nghiên cứu của Google và Temasek (tập đoàn đầu tư của Chính phủ Singapore) với quy mô trên 15 tỷ USD, doanh thu thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 10% tổng doanh số ngành bán lẻ của Việt Nam vào năm 2025. Thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ với 35,4 triệu người dùng và tạo doanh thu hơn 2,7 tỷ USD vào năm 2019. Điều đó cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới, đặt ra yêu cầu đòi hỏi các công ty thương mại điện tử phải hoàn thiện hệ thống vận hành, cải thiện dịch vụ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm giải quyết bài toán về thời gian giao hàng.