Bộ Công Thương bắt tay "gã khổng lồ" Amazon mở ra lối đi vàng cho hàng xuất khẩu
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, đã có 105 DN đủ năng lực được lựa chọn hỗ trợ xuất khẩu qua Amazon. Trong đó, có hơn một nửa đã mở thành công tài khoản bán hàng trên Amazon, cụ thể, 16 DN có sản phẩm trên website amazon.com, 14 DN đã thực hiện giao dịch thành công với người tiêu dùng Mỹ.
Đặc biệt, trong Prime Day là hoạt động khuyến mại lớn nhất trong năm dành cho các thành viên của Amazon, có một số DN Việt Nam đã bán hết toàn bộ hàng có sẵn trong kho của Amazon.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sự thành công của các DN bán hàng trên Amazon Global Selling (Amazon) là cơ sở tốt cho việc tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt trên môi trường TMĐT trong những năm tới.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, số lượng DN bán hàng thành công trên Amazon chưa nhiều tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa Việt Nam đã bước đầu thâm nhập vào thị trường Mỹ theo hình thức B2C (Business to customer – một hình thức kinh doanh online).
"Xu hướng bùng nổ Internet và các thiết bị điện tử đang tạo ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. TMĐT không chỉ hỗ trợ DN vượt qua rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng, mà còn giúp giảm bớt chi phí. Sự thành công của một số DN Việt bán hàng trên các TMĐT như Andre Gift Shop, Paper Color… ngày càng phổ biến, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam ngày càng thu hút người tiêu dùng quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại cũng đã lựa chọn một số doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt trên Amazon tham gia đoàn làm việc tại Mỹ, nhằm giúp doanh nghiệp tận mắt chứng kiến các hoạt động giao dịch sôi động tại trụ sở và kho hàng của Amazon", ông Vũ Bá Phú cho hay.
Về phía Amazon, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sau 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Amazon đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới được hàng triệu người tín nhiệm.
Do đó, trong thời gian tới, các DN ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể sử dụng Amazon như một kênh quảng cáo, phân phối hàng hóa mới đầy hiệu quả.
"Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm, thậm chí khi muốn mua hàng từ website khác, 80% khách hàng vẫn đọc nhận xét và so sánh giá bán tại Amazon để đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Chính vì vậy, việc tận dụng nền tảng thương mại và số lượng khách hàng sẵn có của Amazon sẽ giúp các DN đưa sản phẩm của mình đến với các nhà phân phối và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Qua đó, từng bước giúp DN xây dựng và phát triển thương hiệu ra phạm vi toàn cầu." Ông Thủy chia sẻ.
Ông Trần Qúy Hiển, quản trị FBA Freedom Group (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) chia sẻ thêm, khi DN đưa hàng hóa lên sàn thương mại của Amazon thì khả năng tiếp cận khách hàng và bán được sản phẩm sẽ cao hơn nhiều lần so với các nền tảng khác.
"Tỷ lệ người truy cập quyết định mua hàng trên Amazon rất cao, đạt 30% vào ngày thường và có thể lên tới 60% trong các dịp lễ, trong khi các sàn thương mại điện tử khác tỷ lệ này chỉ khoảng 1%.
Các mặt hàng đang bán chạy trên Amazon hiện nay là sách, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, đồ điện tử, hàng gia dụng, sản phẩm nhà bếp, văn phòng phẩm…Trong đó Việt Nam có nhiều sản phẩm tự nhiên như dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép cũng như các thương hiệu đồ gia dụng, văn phòng phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài." Ông Hiển chia sẻ kinh nghiệm.
Theo bà Nguyễn Xuân Chiêu Hân, đại diện Công ty Saigon Cube với kinh nghiệm hơn 7 năm bán hàng trên Amazon, cho hay: "Chỉ sau 1 năm tham gia quảng cáo trên Amazon, doanh thu của Saigon Cube đã tăng gấp đôi. Hiện, doanh số bán hàng trên Amazon chiếm trên trên 35% tổng doanh thu của công ty và chiếm khoảng 70% doanh số bán hàng trực tuyến. Đầu năm nay, công ty tiếp tục mở rộng bán hàng trên Amazon Nhật Bản và châu Âu".
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn TMĐT toàn cầu như Amazon, DN phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, xuất xứ,… sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt.
"Bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, điều cốt lõi để DN Việt Nam có thể tham gia và phát triển kinh doanh lâu dài trên nền tảng TMĐT vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm; sự chủ động của DN trong việc đầu tư nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT và có kế hoạch xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững." Ông Vũ Bá Phú lưu ý.