Mảng thương mại điện tử của Amazon "thất thủ" tại Trung Quốc
Tập đoàn Amazon cho biết họ sẽ ngừng hẳn các cửa hàng trực tuyến ở Trung Quốc vào ngày 18/7. Người khổng lồ ngành thương mại điện tử Mỹ sẽ chỉ tập trung vào các mảng kinh doanh béo bở như bán hàng từ nước ngoài và dịch vụ điện toán đám mây tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ảnh: REUTERS / Kim Kyung-Hoon
Amazon nhấn mạnh việc bị đối thủ là các công ty thương mại điện tử bản địa gây khó nhiều năm nay, khiến Amazon khó có được sức hút ở Trung Quốc. Công ty nghiên cứu người tiêu dùng iResearch Global cho biết, Tập đoàn Alibaba, chủ sở hữu của Tmall và JD.com, đang kiểm soát tới 82% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Amazon nói với Reuters hôm thứ Năm rằng họ đang thông báo cho những người bán hàng về việc ngừng hoạt động của chợ điện tử và ngừng cung cấp dịch vụ bán hàng trên trang Amazon.cn.
Phát ngôn viên này tuyên bố “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với những người bán hàng trên trang thương mại điện tử của mình để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ và tiếp tục mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất có thể”.
“Những người bán hàng có nhu cầu tiếp tục bán hàng trên Amazon ngoài lãnh thổ Trung Quốc có thể sử dụng Amazon Global Sell”.
Các nguồn tin cho biết, người mua hàng Amazon ở Trung Quốc sẽ không thể mua hàng hóa từ các thương nhân của nước này, nhưng họ vẫn có thể đặt hàng từ Hoa Kỳ, Anh, Đức và Nhật Bản thông qua cửa hàng toàn cầu của hãng.
Có nguồn tin cho biết Amazon sẽ hỗ trợ cho các thương nhân bán hàng nội địa ở Trung Quốc trong 90 ngày tới và báo cáo ảnh hưởng đối với các trung tâm xử lý dịch vụ tại nước này, một số có thể sẽ bị đóng cửa.
Nhà phân tích Michael Pachter tại Wedbush Securities cho biết, “Amazon rút lui vì không có lãi và không tăng trưởng được”.
Ker Zheng, chuyên gia tiếp thị tại công ty tư vấn thương mại điện tử Azoya có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết Amazon không có lợi thế cạnh tranh lớn ở Trung Quốc so với các đối thủ trong nước.
“Trừ khi ai đó đang tìm kiếm một mặt hàng nhập khẩu rất cụ thể không thể tìm thấy ở nơi nào khác, còn không thì chẳng có lý do gì để người tiêu dùng chọn Amazon vì dịch vụ vận chuyển không nhanh được bằng Tmall hoặc JD”, ông nói.
Người phát ngôn của Amazon cho biết công ty sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển tại Trung Quốc các dịch vụ Amazon Global Store, Global Sell, Kindle e-reader và nội dung trực tuyến. Amazon Web Services, dịch vụ lưu trữ và xử lý tính toán cho doanh nghiệp bằng điện toán đám mây của Amazon sẽ vẫn được duy trì.
Cổ phiếu của Alibaba và JD.com niêm yết tại Mỹ đã tăng 1% vào thứ Tư sau khi Reuters có tin về động thái này, trước khi giảm chút ít ngay sau đó. Cổ phiếu Amazon giữ nguyên đến cuối ngày.
Thương mại điện tử giảm sút
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này được sáng lập bởi Jeff Bezos, sau này trở thành người giàu nhất thế giới. Việc Amazon đóng cửa các cửa hàng trực tuyến xuất phát từ tình hình suy thoái thương mại điện tử trên diện rộng ở Trung Quốc. Alibaba trong tháng 1 đã báo cáo mức tăng trưởng thu nhập hàng quý chậm nhất kể từ năm 2016, trong khi JD.com đang vật lộn với việc cắt giảm nhân sự do môi trường kinh doanh thay đổi.
Trước khi Amazon rút khỏi mảng thương mại điện tử tại Trung Quốc, các nhà bán lẻ phương Tây lớn khác cũng đã từng bỏ cuộc. Walmart đã bán nền tảng mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc của mình cho JD.com vào năm 2016 để đổi lấy cổ phần của JD.com và chỉ tập trung vào các cửa hàng chính thống.
Tương tự, chiến lược bành trướng toàn cầu của các tập đoàn lớn của Mỹ như Netflix, Facebook, Alphabet của Google cũng không còn mặn mà với thị trường này, ông Pachter của Chứng khoán Wedbush cho biết.
Amazon đã mua lại trang web mua sắm trực tuyến Trung Quốc Joyo.com vào năm 2004 với giá 75 triệu USD, đổi thương hiệu thành Amazon China vào năm 2011. Nhưng ngay khi thị trường cho thấy các dấu hiệu về sự thống trị của Tmall, Amazon đã mở một cửa hàng trực tuyến trên trang web của Alibaba vào năm 2015.
Amazon vẫn đang mở rộng mạnh mẽ ở các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ, cạnh tranh với đối thủ địa phương là Flipkart.