GDP Trung Quốc quý I/2021 tăng trưởng 2 con số nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng

16/04/2021 14:13 GMT+7
Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP quý I thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh sản lượng công nghiệp không bắt kịp kỳ vọng.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc NBS công bố báo cáo kinh tế cho thấy GDP Trung Quốc tăng trưởng 18,3% trong quý I/2021 so với đầu năm 2020. Con số này thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 19% của các nhà phân tích, nhưng vẫn là mức tăng trưởng ngoạn mục khi nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi hậu đại dịch.

So với quý I/2019, GDP Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng 10,3%.

GDP Trung Quốc quý I/2021 tăng trưởng 2 con số nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng - Ảnh 1.

GDP Trung Quốc quý I/2021 tăng trưởng 2 con số nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng

Doanh số bán lẻ tăng 34,2%, vượt mức kỳ vọng 28%. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 14,1%, thấp hơn mức dự báo 17,2%.

Sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm hơn mặc dù Bắc Kinh khuyến khích công nhân ở lại nhà máy trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 tháng nhằm hạn chế sự lây lan dịch Covid-19.

NBS nhận định: “Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vững chắc trong nước vẫn chưa được củng cố trong khi các vấn đề cơ cấu mang tính dài hạn vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế”.

Tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở khu vực thành thị đã giảm xuống 5,3% trong tháng 3, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ từ 16-24 tuổi vẫn ở mức rất cao 13,6%.

Bà Liu Aihua, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia cho biết: “Vấn đề việc làm của người lao động trẻ vẫn cần thêm thời gian để được giải quyết”. Bà Liu nói thêm rằng kết quả cuộc khảo sát khác cũng phản ánh sự thiếu hụt lao động phổ thông và lao động tay nghề cao. Hơn 90.000 doanh nghiệp trong khảo sát nhận định tuyển dụng là một thách thức lớn với doanh nghiệp.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định trở lại nhưng với tốc độ chậm hơn sau khi giai đoạn tăng trưởng bùng nổ hậu đại dịch qua đi.

Cụ thể, so với quý IV/2020, tăng trưởng GDP quý I/2021 chỉ đạt 0,6%, chậm lại từ mức 2,6% hàng quý trước đó.

“Chúng tôi không kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vội vàng tiến hành bất kỳ biện pháp thắt chặt tài khóa hay tiền tệ nào trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế vẫn đối mặt với nhiều bất ổn như nhu cầu trong nước thấp, tiêu dùng phục hồi chậm và xuất khẩu tăng trưởng không ổn định” - nhận định của ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance,

Đầu tư vào sản xuất đã giảm bình quân 2% trong hai năm qua do môi trường kinh doanh bất ổn dai dẳng khiến doanh nghiệp thiếu niềm tin đầu tư.

Nền kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2020 với một thắng lợi lớn cho chính quyền ông Tập Cận Bình khi trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Trái ngược với Trung Quốc, hầu hết phần còn lại của kinh tế toàn cầu lao đao vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 do những biện pháp hạn chế kiểm dịch, phong tỏa hoặc cách ly xã hội quá nghiêm ngặt.

Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 8,4% vào năm 2021, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Điều này đồng nghĩa mặc dù Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, quốc gia này dường như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra cho hầu hết các nước còn lại trên thế giới.

Tobias Adrian, giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF nhận định: “Trung Quốc thực sự là một ví dụ ấn tượng về sự ngoại lệ, theo một ý nghĩa tích cực… Họ đã kiểm soát đại dịch theo cách quyết liệt từ rất sớm, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường vào giữa năm ngoái. Như vậy, dễ hiểu vì sao họ đi trước bất cứ quốc gia nào trên thế giới”.


NTTD
Cùng chuyên mục