Giá cà phê phục hồi dè dặt, cà phê nội nhích trở lại tại các vùng trọng điểm

01/03/2023 16:28 GMT+7
Giá cà phê hôm nay (1/3) quay đầu tăng nhẹ 100 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Hiện tại, giá thu mua nội địa đang dao động trong khoảng 46.800 - 47.300 đồng/kg.

Giá cà phê ngày 01/03/2023: hai sàn có xu hướng hỗn hợp

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 7 USD, lên 2.140 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 8 USD, lên 2.129 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 0,15 cent, xuống 186,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 không thay đổi, vẫn ở mức 184,90 cent/lb, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê phục hồi dè dặt, cà phê nội nhích trở lại tại các vùng trọng điểm - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 01/03/2023 lúc 11:54:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê phục hồi dè dặt, cà phê nội nhích trở lại tại các vùng trọng điểm - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 01/03/2023 lúc 11:54:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê phục hồi dè dặt, cà phê nội nhích trở lại tại các vùng trọng điểm - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày ngày 01/03/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 46.800 - 47.300 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 01/03/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 46.800 - 47.300 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 46.800 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đến là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 47.200 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng tăng nhẹ lên mức 47.300 đồng/kg trong hôm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Giá cà phê hai sàn chỉ biến động nhẹ trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 với khối lượng thương mại không nhiều do các Quỹ và đầu cơ tỏ ra thận trọng trước chính sách tiền tệ ở các nước phát triển, cần chờ đợi thêm tin tức và các báo cáo chỉ số kinh tế vĩ mô trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3.

Báo cáo tồn kho ICE – London tiếp tục tăng thêm 10,37% so với một tuần trước đó, ghi nhận trong tuần đã tăng 6.590 tấn lên tồn kho ở mức 70.130 tấn, tính đến ngày 28/02. Điều này đã gây áp lực giảm ngay từ đầu phiên.

Tuy nhiên, giá cà phê Robusta đã đóng cửa phiên trong vùng tích cực khi thị trường nhận được báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 2 đạt 3.000.000 bao, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu tiên của năm 2023 chỉ đạt 322.544 tấn, giảm 13,13% so với cùng kỳ năm trước, đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn sàn London lấy lại màu xanh lúc cuối phiên.

Lo ngại Fed sẽ mạnh tay tại các phiên họp điều hành lãi suất sắp tới tiếp tục đè nặng tâm lý đầu cơ trên khắp các thị trường, khiến USDX tiếp tục mạnh lên, đã đẩy đồng Reais – Brasil và các tiền tệ mới nổi vào thế suy yếu, tỷ giá giảm thêm 0,36% xuống ở mức 1 USD = 5,220 R$ đã hỗ trợ người Brasil mạnh tay bán cà phê xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính giảm 13,1% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, xuống 323.000 tấn.

Tin đồn có một lượng lớn cà phê Conilon Robusta đang được xem xét, vì bị ảnh hưởng hiệp định Mecosur liên quan đến phá rừng Amazon để mở rộng diện tích trồng cà phê nhằm cạnh tranh vị thế hàng đầu với Việt Nam cũng tác động đáng kể lên giá cà phê kỳ hạn London.

Rabobank cho biết, mặc dù thời tiết tốt tại Brazil, triển vọng vụ mùa này dường như không thay đổi nhiều khi tiềm năng mùa vụ được thiết lập từ nhiều tháng trước trong quá trình nở hoa.

Theo các nhà phân tích, lượng mưa tốt gần đây không đủ để bù đắp những tác động tiêu cực mà cây trồng ở Brazil phải hứng chịu do đợt khô hạn kéo dài vào cuối năm ngoái làm ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa. HedgePoint đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 của Brazil xuống 42,3 triệu bao từ mức 45,4 triệu bao trước đó.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê nhân đạt trung bình 6.000 tấn mỗi ngày (100.000 bao loại 60kg) tính đến tuần thứ ba của tháng 2/2023, so với mức trung bình hàng ngày là 10.960 tấn (182.660 bao) trong cả tháng 2/2022.

Theo Rabobank, cán cân cung ứng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ gần như cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng, do vụ mùa của Brazil sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.

Brazil hiện có thặng dư nhỏ chỉ 1,6 triệu bao (loại 60kg) trong cán cân cung cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24, giảm so với ước tính 4 triệu bao trước đó. Vụ 2023 của Brazil đạt 67,1 triệu bao so với 63,2 triệu bao vụ 2022.

Rabobank kỳ vọng sản lượng của Colombia - nhà sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai - sẽ phục hồi sau niên vụ 2022/23 sau khi quốc gia này chỉ thu hoạch được 11,8 triệu bao. Rabobank dự báo sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2023/24 sẽ ở mức 14 triệu bao.

Cũng trong niên vụ 2023/23, vụ mùa của Việt Nam được dự kiến sẽ tăng 500.000 bao lên 29,5 triệu bao.

Tổng nhu cầu cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 được chốt ở mức 173,2 triệu bao, trong khi sản lượng dự báo là 174,8 triệu bao.

Được biết, báo cáo tồn kho Robusta của ICE – London tiếp tục được bổ sung trong vài ngày gần đây cho dù vẫn còn đứng ở mức thấp kể từ năm 2016. Điều này đã không làm giảm bớt lo ngại của thị trường tiêu dùng phía Bắc bán cầu đang trông chờ chủ yếu vào nguồn cung này.

Dự báo về giá cà phê, các chuyên gia cho rằng, giá cà phê thế giới trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do vụ cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.

Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát tăng cao hay suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tác động xấu đến sức tiêu thụ cà phê, đặc biệt là ở những quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ và EU.

Đối với thị trường Trung Quốc, vẫn chưa thể kỳ vọng rằng sức mua của người tiêu dùng có thể phục hồi nhanh sau khi nước này mở cửa trở lại. Sau nhiều năm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid -19, thu nhập của người dân ảnh hưởng lớn và họ sẽ có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu hơn.

Với Việt Nam, giá cà phê Việt Nam trong quý I sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của thị trường cà phê thế giới. Như đã đề cập ở trên, lượng tiêu thụ cà phê sẽ phục hồi nhẹ ở các thị trường như Mỹ và EU. Bên cạnh đó, nguồn hàng từ Việt Nam hạn chế trong đợt nghỉ lễ Tết vừa qua cũng phần nào tác động lên giá. Tuy nhiên về dài hạn, thị trường vẫn chịu áp lực bởi lạm phát và lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến các nhà buôn và các công ty nhập khẩu cà phê.

Về sản lượng, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, sản lượng cà phê năm nay sẽ giảm. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.

Trước đó, VICOFA dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục