Giá cà phê Robusta nối tiếp đà tăng trên sàn giao dịch, cà phê nội chững giá
Giá cà phê hôm nay 21/2: Giá cà phê trong nước cao nhất 45.700 đồng/kg
Nhà đầu tư tiếp tục mua bù cho những hợp đồng đã bán khống trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên (FND) của sàn London.
Kết thúc phiên giao dịch một mình đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 8 USD, lên 2.093 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 19 USD, lên 2.117 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trong khi đó, sàn ICE US – New York không giao dịch, đóng cửa cả ngày nghỉ lễ Presidents’ Day của Mỹ.
Giá cà phê nhân hôm nay đi ngang tại các tỉnh Tây Nguyên so với hôm qua. Hiện cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 44.800 – 44.900 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai hôm nay dao động từ 45.600 đồng/kg. Cà phê tại tỉnh Đắk Nông được thu mua với giá 45.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê hôm nay hiện được thu mua với giá cao nhất là 45.700 đồng/kg.
Hôm qua (thứ hai ngày 20/2) thị trường New York đóng cửa cả ngày không giao dịch; thị trường London đóng cửa nghỉ sớm 30 phút nhân ngày President’Day - ngày lễ tôn vinh các đời Tổng thống Mỹ.
Giá arabica tăng mạnh trong thời gian gần đây do Minas Gerais - bang trồng cà phê lớn nhất Brazil đang gặp thời tiết bất lợi.
Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Bắc Mỹ báo cáo tồn kho cuối tháng 1/2023 đã giảm xuống 6,26 triệu bao, mức thấp nhất trong 6 tháng.
Volcafe dự báo, thị trường cà phê Robusta niên vụ 2023/24 toàn cầu sẽ thâm hụt kỷ lục 5,6 triệu bao do Indonesia, nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ giảm sản lượng niên vụ tới xuống 9,1 triệu bao, vụ cà phê robusta nhỏ nhất trong 10 năm, do bị thiệt hại bởi mưa quá nhiều trên các vùng trồng trọt.
Theo Rabobank, cán cân cung ứng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ gần như cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng, do vụ mùa của Brazil sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
Brazil hiện có thặng dư nhỏ chỉ 1,6 triệu bao (loại 60kg) trong cán cân cung cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24, giảm so với ước tính 4 triệu bao trước đó. Vụ 2023 của Brazil đạt 67,1 triệu bao so với 63,2 triệu bao vụ 2022.
Rabobank kỳ vọng sản lượng của Colombia - nhà sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai - sẽ phục hồi sau niên vụ 2022/23 sau khi quốc gia này chỉ thu hoạch được 11,8 triệu bao. Rabobank dự báo sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2023/24 sẽ ở mức 14 triệu bao.
Cũng trong niên vụ 2023/23, vụ mùa của Việt Nam được dự kiến sẽ tăng 500.000 bao lên 29,5 triệu bao.
Tổng nhu cầu cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 được chốt ở mức 173,2 triệu bao, trong khi sản lượng dự báo là 174,8 triệu bao.
Được biết, báo cáo tồn kho Robusta của ICE – London tiếp tục được bổ sung trong vài ngày gần đây cho dù vẫn còn đứng ở mức thấp kể từ năm 2016. Điều này đã không làm giảm bớt lo ngại của thị trường tiêu dùng phía Bắc bán cầu đang trông chờ chủ yếu vào nguồn cung này.
Thị trường vừa có thêm thông tin mưa lũ kinh hoàng ở nhiều thành phố của bang Sao Paulo, trung tâm thương mại cà phê chính của Brazil khiến Chính phủ phải ban bố tình trạng nhân đạo khẩn cấp đối với 6 thành phố.
Trong khi đó, lễ hội Carnival kéo dài đến chiều thứ tư Lễ Tro (22/02) cũng góp phần khiến việc giao hàng xuống cảng cho nhà xuất khẩu bị chậm lại. Tháng hai lại là tháng có ít ngày và áp lực giao hàng Robusta kỳ hạn tháng 3 cũng đã cận kề.
Tỷ giá đồng Reais tăng thêm 0,86%, lên ở mức 1 USD = 5,1640 R$ không khuyến khích người Brazil bán hàng cà phê xuất khẩu.
Dự báo về giá cà phê, các chuyên gia cho rằng, giá cà phê thế giới trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do vụ cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát tăng cao hay suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tác động xấu đến sức tiêu thụ cà phê, đặc biệt là ở những quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ và EU.
Đối với thị trường Trung Quốc, vẫn chưa thể kỳ vọng rằng sức mua của người tiêu dùng có thể phục hồi nhanh sau khi nước này mở cửa trở lại. Sau nhiều năm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid -19, thu nhập của người dân ảnh hưởng lớn và họ sẽ có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu hơn.
Với Việt Nam, giá cà phê Việt Nam trong quý I sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của thị trường cà phê thế giới. Như đã đề cập ở trên, lượng tiêu thụ cà phê sẽ phục hồi nhẹ ở các thị trường như Mỹ và EU. Bên cạnh đó, nguồn hàng từ Việt Nam hạn chế trong đợt nghỉ lễ Tết vừa qua cũng phần nào tác động lên giá. Tuy nhiên về dài hạn, thị trường vẫn chịu áp lực bởi lạm phát và lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến các nhà buôn và các công ty nhập khẩu cà phê.
Về sản lượng, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, sản lượng cà phê năm nay sẽ giảm. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Trước đó, VICOFA dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.