Giá cà phê lặng sóng, xuất khẩu cà phê Việt vẫn còn nhiều thách thức

20/02/2023 14:38 GMT+7
Giá cà phê hôm nay (20/2) chững lại sau nhiều ngày tăng liên tiếp. Hiện tại, thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá 44.900 - 45.700 đồng/kg. Hôm nay là ngày lễ tôn vinh các đời Tổng thống Mỹ (President’Day), thị trường New York đóng cửa cả ngày không giao dịch. Thị trường London đóng cửa nghỉ sớm 30 phút.

Giá cà phê hôm nay 20/2: Thị trường lặng sóng 

Giá cà phê thế giới tiếp tục giữ đà tăng tốt trong những phiên cuối tuần, lực mua tăng mạnh khi các quỹ và đầu cơ đã đẩy mạnh mua bù cho những hợp đồng đã bán khống trước ngày thông báo đầu tiên (FND) của hợp đồng kỳ hạn tháng 3. Trong tuần, USDX mất giá 1,09%, cũng đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị, thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa tăng mua.

Hôm nay, thứ hai ngày 20/2 là ngày lễ tôn vinh các đời Tổng thống Mỹ (President’Day), thị trường New York đóng cửa cả ngày không giao dịch. Thị trường London đóng cửa nghỉ sớm 30 phút.

Tính chung cả tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn London có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giữa tuần, các mức tăng khá mạnh. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 45 USD (tăng 2,21%), lên 2.085 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn New York có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giữa tuần, các mức tăng mạnh. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tất cả 11,10 Cent (tăng 6,36%), lên 185,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao.

Ghi nhận tại phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 17 USD (0,92%), giao dịch tại 2.085 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 26 USD (1,35%), giao dịch tại 2.098 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,50 Cent/lb (3,11%), giao dịch tại 185,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 4,70 Cent/lb (2,62%), giao dịch tại 184,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê lặng sóng, xuất khẩu cà phê Việt vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 20/02/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê lặng sóng, xuất khẩu cà phê Việt vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 20/02/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Tổng quan thị trường cà phê Robussta hôm nay: Cà phê Robusta kỳ hạn T05/2023 (LRCK23) tiếp tục duy đà tăng giá mạnh mẽ, tăng 26 USD (+1.25%), giá đóng cửa ở mức 2,098 USD/tấn.

Đồng USD kết thúc phiên giao dịch cuối tuần giảm 0,24% xuống 103,83 sau khi đạt đỉnh chạm mốc 104,67 ở đầu phiên. Sự giảm nhẹ này xuất phát từ việc thị trường đang chờ đợi những động thái của Fed về việc giải quyết tình trạng lạm phát vẫn còn đang ở mức cao. Các dữ liệu kinh tế được công bố vào tuần trước đều tốt hơn so với dự đoán khiến thị trường lo ngại Fed khả năng cao sẽ suy trì lãi suất cao hơn trong thời gian tới. Hiện tại thị trường đang chờ đợi biên bản FOMC mới nhất và dữ liệu GDP của Mỹ được công bố vào tuần này để có thêm nhận định về quá trình tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới. Giá cà phê Robusta duy trì đà tăng nhờ hưởng lợi từ thông tin nguồn cung giảm.

Theo Volcafe dự báo rằng thị trường cà phê Robusta niên vụ 2023/24 toàn cầu sẽ thâm hụt kỷ lục 5,6 triệu bao do Indonesia, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ chứng kiến sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2023/24 giảm xuống 9,1 triệu bao, vụ cà phê Robusta nhỏ nhất trong 10 năm do thiệt hại do mưa quá nhiều trên các vùng trồng trọt. Tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận tiếp tục giảm xuống mức 59.330 tấn, tính đến 15/02. Thông tin trên đã hỗ trợ cho cà phê Robusta tăng giá.

Theo phân tích kỹ thuật, dự kiến trong ngắn hạn, giá Robusta còn giằng co tích lũy tăng dò kháng cự với mục tiêu gần là mức cản tâm lý 2100 và xa hơn là vùng 2130 – 2150. Vùng hỗ trợ gần của giá ở vùng 2000 – 2020.

Giá cà phê lặng sóng, xuất khẩu cà phê Việt vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên chững lại sau nhiều ngày tăng liên tiếp. Hiện tại, thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá 44.900 - 45.700 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên chững lại sau nhiều ngày tăng liên tiếp. Hiện tại, thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá 44.900 - 45.700 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 44.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Hai tỉnh Đắk Nông và Gia Lai duy trì mức giá lần lượt là 45.500 đồng/kg và 45.600 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng ổn định tại mức 45.700 đồng/kg - cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Năm 2022 là một rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu được 1,78 triệu tấn cà phê trong năm vừa qua với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu, khi giá cà phê trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, kết hợp với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh đột biến.

Tuy nhiên, cũng chính việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp kể từ cuối năm 2022 đến nay. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đánh giá: Trong giai đoạn quý II và quý III năm ngoái, khi nhu cầu cao và tỷ giá có lợi, các doanh nghiệp đã tích cực thu gom cà phê từ nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Giá nội địa và xuất khẩu đều tốt, dẫn đến việc đẩy hàng đi nhiều nhất có thể. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh từ cuối năm 2022 và ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2023.

Trong năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta tăng gần 14% so với năm 2021, trong khi sản lượng chỉ tăng 9% từ 1,74 triệu tấn lên 1,89 triệu tấn (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ). Thậm chí, sản lượng cà phê thu hoạch vào cuối năm 2022 bị dự báo giảm từ 10% đến 15% do mưa lớn ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch. Như vậy, tổng nguồn cung xuất khẩu trong năm nay có thể sẽ thấp hơn so với năm ngoái, và điều này sẽ khiến ngành xuất khẩu cà phê khó duy trì được mức tăng trưởng như năm 2022.

Bên cạnh đó, Fed đã giảm dần đà tăng lãi suất trong năm 2023, với mức tăng 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh đầu tiên của năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng này vào tháng 3, sau khi các quan chức của Fed đều có quan điểm cứng rắn về lãi suất, với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Điều này sẽ khiến sự chênh lệch tỷ giá thu hẹp lại so với thời điểm tăng mạnh lãi suất trong năm 2022, làm hạn chế phần nào nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê. Vào cuối năm 2022, Liên minh Châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn.

Hơn nữa, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu. 

Dù đứng trước khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023, thị trường chung vẫn có những điểm sáng mới để kỳ vọng.

Trung Quốc đang tích cực mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hồi phục về kinh tế của riêng Trung Quốc mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển chung của toàn cầu khi đây hiện là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia như Mỹ, Việt Nam, … Cũng chính nhờ sự mở cửa này mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã có sự điều chỉnh lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn thế giới được điều chỉnh từ 2,7% lên 2,9%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu cũng có sự khởi sắc lần lượt từ 1,0% lên 1,4% và 0,5% lên 0,7%. Sự tăng trưởng trở lại giúp thị trường kỳ vọng chi tiêu của người dân sẽ được nới lỏng và nhu cầu đối với cà phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế của các quốc gia sẽ có sự khởi sắc.

Sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta trong bối cảnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào Robusta, và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023 – 2033.

Bên cạnh đó, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, sản lượng cà phê Robusta của nước này trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái và Indonesia được Volcafe dự đoán sản lượng sẽ giảm về mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.

Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức lớn cần phải đối mặt để có thể duy trì đà tăng trước đó, nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn cả từ các yếu tố vĩ mô đến nguồn lực trong nước. Do đó, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể suy yếu so với năm kỷ lục vừa qua nhưng vẫn sẽ cao hơn 2 năm 2020 và 2021 và nhiều khả năng sẽ nằm trên mức kim ngạch trung bình 3 tỷ USD.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục